Tôi xin hỏi, nếu tổ chức nhiều chương trình khuyến mại cho cùng một mặt hàng trong một tháng, mỗi chương trình cách nhau 3-5 ngày và tổng giá trị khuyến mại của mỗi chương trình đều dưới 100 triệu đồng thì có cần thực hiện thủ tục đăng ký/thông báo chương trình khuyến mại hay không?
Ngày: 10/06/2024
Đối với các chương trình khuyến mại phải thực hiện thủ tục hành chính đăng ký hoạt động khuyến mại, pháp luật hiện hành không quy định giới hạn tổng giá trị giải thưởng của chương trình theo mức nào thì không phải thực hiện thủ tục hành chính đăng ký hoạt động khuyến mại.
Do vậy, khi thực hiện chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng trên 100 triệu đồng hay dưới 100 triệu đồng (kể cả là 1 triệu đồng) thì thương nhân vẫn phải thực hiện thủ tục hành chính đăng ký hoạt động khuyến mại.
Đối với các chương trình khuyến mại phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại, theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, khi thực hiện chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng, thương nhân không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại. Pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào về khoảng thời gian cách nhau giữa các chương trình khuyến mại.
Hỏi: Đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh thế nào?
Tôi làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức kinh tế có 99% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ sở hữu. Trước đây, công ty tôi đã hoàn tất đăng ký ngành, nghề kinh doanh đối với hoạt động đại lý ô tô như sau: - Tên ngành, nghề kinh doanh: Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; chi tiết: Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 61111); - Mã ngành: 4513. Hiện tại, công ty có nhu cầu bổ sung hoạt động kinh doanh môi giới ô tô loại đã qua sử dụng. Cụ thể, hoạt động kinh doanh thực tế của công ty là trung gian cho các nhà cung cấp, các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp ô tô đã qua sử dụng (nhà cung cấp) và các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua ô tô đã qua sử dụng (khách hàng). Theo đó, công ty giới thiệu khách hàng cho nhà cung cấp tương ứng với yêu cầu của khách hàng và/hoặc ngược lại. Khi các bên giao dịch thành công, công ty sẽ được hưởng hoa hồng cho việc giới thiệu này. Với nhu cầu hoạt động kinh doanh thực tế của công ty như trên và đối chiếu với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, công ty nhận thấy việc đăng ký hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng vào ngành, nghề kinh doanh với mã VSIC 4513 là phù hợp. Do đó, công ty đã thực hiện đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh như sau: - Tên ngành, nghề kinh doanh được sửa đổi chi tiết: Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; chi tiết: Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 61111), hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng; - Mã ngành: 4513. Tuy nhiên, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu công ty sửa đổi, bổ sung hồ sơ như sau: ’Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh chi tiết ngành nghề kinh doanh dự định bổ sung ’Hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng’ vào mã ngành 7490 (Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu) với chi tiết như sau: Chi tiết: Hoạt động môi giới thương mại’. Tôi xin hỏi, với mục tiêu hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng đã đề cập trên, thì công ty đăng ký ngành, nghề kinh doanh với mã VSIC nào thì phù hợp?
Ngày: 10/06/2024
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Do vậy, trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc về việc xác định ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, giải đáp.
Trường hợp ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Hỏi: Điều kiện dự thầu đối với nhà thầu nước ngoài
Dự án của đơn vị tôi liên quan tới cung cấp hệ thống, công nghệ cảnh báo sớm thiên tai, được thực hiện tại tỉnh Thái Nguyên vào năm 2023. Chủ đầu tư là một tổ chức phi chính phủ, đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007. Nhà thầu là một doanh nghiệp nước ngoài chưa có giấy phép hoạt động hay văn phòng tại Việt Nam. Tôi xin hỏi, trường hợp này có những yêu cầu nào với nhà thầu? Nhà thầu này có thể tham gia vào những dự án có điều kiện như thế nào tại Việt Nam?
Ngày: 10/06/2024
Pháp luật về đấu thầu quy định về các trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu theo quy định tại Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013. Nhà thầu là tổ chức khi tham dự thầu phải đáp ứng tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu năm 2013. Đấu thầu quốc tế quy định tại Điều 15 Luật Đấu thầu năm 2013.
Theo đó, đề nghị đông bà căn cứ vào các quy định nêu trên để xác định gói thầu có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2013 hay không, nhà thầu nước ngoài có được tham dự thầu hay không, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Hỏi: Công trình quảng cáo nào cần xin giấy phép xây dựng?
Tôi muốn gắn biển quảng cáo có diện tích hơn 20 m2 lên trung tâm thương mại. Theo tôi được biết, tôi cần làm đơn cấp phép xây dựng công trình quảng cáo (vì diện tích biển hơn 20 m2) gửi về cơ quan có thẩm quyền xây dựng cho phép. Xin hỏi, tôi có cần làm đơn cấp phép xây dựng công trình quảng cáo không?
Ngày: 04/06/2024
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Quảng cáo thì việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau:
- Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên;
- Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;
- Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m2) trở lên.
Vì vậy, tổ chức, cá nhân muốn gắn biển quảng cáo có diện tích hơn 20 m2 lên trung tâm thương mại thì cần phải có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép được quy định tại Điều 31 Luật Quảng cáo.
Hỏi: Có được kế thừa hồ sơ môi trường khi thay đổi chủ đầu tư?
Công ty A có 2 địa điểm hoạt động tại lô A1 và B1 cùng khu công nghiệp đã thực hiện hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng tài sản gắn với quyền sử dụng đất cho công ty B. Công ty A đã được UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường để thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường cho dự án A tại lô A1 và B1. Sau khi nhận chuyển nhượng tài sản nêu trên, công ty B được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi tiếp nhận tài sản, công ty B thực hiện các nội dung của dự án nhà máy B với toàn bộ quy mô, công suất, các công trình bảo vệ môi trường đã được công ty A đầu tư xây dựng tại lô B1. Tôi xin hỏi, dự án nhà máy B có được xem là một dự án mới hay không và có được kế thừa các kết quả của hồ sơ môi trường trước đây hay không?
Ngày: 03/06/2024
Đối với nội dung kiến nghị liên quan đến đánh giá tác động môi trường, công ty B được kế thừa các quyền và nghĩa vụ có trong đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt theo phạm vi được nhận chuyển nhượng từ công ty A (nếu có đánh giá tác động môi trường còn hiệu lực) theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường:
"Trường hợp có thay đổi chủ dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thông báo cho cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh".
Ngoài ra, cần lưu ý, theo quy định tại Khoản 6 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường, kể từ ngày giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hết hiệu lực.
Hỏi: Có phải điều chỉnh chủ trương đầu tư khi gia hạn dự án?
Điểm d Khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020 quy định, dự án đầu tư kéo dài tiến độ thực hiện mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Điểm b Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định: ’b) Khi điều chỉnh nội dung dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư’. Tôi xin hỏi, dự án đầu tư muốn gia hạn thời gian thực hiện dưới 12 tháng có phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án hay không? Cụ thể thủ tục đó như thế nào?
Ngày: 03/06/2024
Theo Điểm d Khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư: "Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
… d) Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu".
Theo Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 43 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư:
- Đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, khi điều chỉnh nội dung dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) theo quy định tại Điều 47 của Nghị định này.
Hỏi: Cơ sở sản xuất mì ăn liền có cần chứng nhận an toàn thực phẩm?
Công ty tôi sản xuất mì ăn liền, áp dụng tiêu chuẩn của Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Tôi xin hỏi, theo Điều 24 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP thì các Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP không bắt buộc áp dụng cho công ty có Giấy chứng nhận HACCP như công ty sản xuất mì ăn liền, mà chỉ áp dụng cho các công ty có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có đúng không? Ngoài ra, các tiêu chuẩn HACCP và ISO, BRC công ty sản xuất mì ăn liền đang áp dụng thường nghiêm ngặt hơn so với các quy định của Luật, Nghị định, Thông tư. Vậy, nếu có bất kỳ nội dung nào trong các tiêu chuẩn HACCP (hoặc ISO, BRC) mà công ty sản xuất mì ăn liền đang áp dụng không quy định, hoặc quy định không rõ ràng như Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP (ví dụ như tách riêng biệt kho nguyên liệu, kho thành phẩm, kho bao bì), thì công ty có bắt buộc phải đáp ứng các quy định tương ứng tại Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP không?
Ngày: 27/05/2024
Điểm k Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
"Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận:
- Thực hành sản xuất tốt (GMP);
- Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP);
- Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000;
- Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS);
- Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC);
- Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực".
Vì vậy, trong trường hợp đơn vị sản xuất thực phẩm đã có Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) thì thuộc diện không cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, đơn vị phải tuân thủ theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Trong trường hợp đơn vị thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đơn vị thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Hỏi: Đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh thế nào?
Tôi làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức kinh tế có 99% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ sở hữu. Trước đây, công ty tôi đã hoàn tất đăng ký ngành, nghề kinh doanh đối với hoạt động đại lý ô tô như sau: - Tên ngành, nghề kinh doanh: Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; chi tiết: Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 61111); - Mã ngành: 4513. Hiện tại, công ty có nhu cầu bổ sung hoạt động kinh doanh môi giới ô tô loại đã qua sử dụng. Cụ thể, hoạt động kinh doanh thực tế của công ty là trung gian cho các nhà cung cấp, các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp ô tô đã qua sử dụng (nhà cung cấp) và các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua ô tô đã qua sử dụng (khách hàng). Theo đó, công ty giới thiệu khách hàng cho nhà cung cấp tương ứng với yêu cầu của khách hàng và/hoặc ngược lại. Khi các bên giao dịch thành công, công ty sẽ được hưởng hoa hồng cho việc giới thiệu này. Với nhu cầu hoạt động kinh doanh thực tế của công ty như trên và đối chiếu với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, công ty nhận thấy việc đăng ký hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng vào ngành, nghề kinh doanh với mã VSIC 4513 là phù hợp. Do đó, công ty đã thực hiện đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh như sau: - Tên ngành, nghề kinh doanh được sửa đổi chi tiết: Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; chi tiết: Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 61111), hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng; - Mã ngành: 4513. Tuy nhiên, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu công ty sửa đổi, bổ sung hồ sơ như sau: ’Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh chi tiết ngành nghề kinh doanh dự định bổ sung ’Hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng’ vào mã ngành 7490 (Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu) với chi tiết như sau: Chi tiết: Hoạt động môi giới thương mại’. Tôi xin hỏi, với mục tiêu hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng đã đề cập trên, thì công ty đăng ký ngành, nghề kinh doanh với mã VSIC nào thì phù hợp?
Ngày: 26/05/2024
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Do vậy, trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc về việc xác định ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, giải đáp.
Trường hợp ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Hỏi: Cổ phần ưu đãi gồm những loại nào?
Điểm d Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp quy định cổ phần ưu đãi gồm cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán. Quy định này có thể được giải thích như sau: Một công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi loại khác nếu có quy định về loại cổ phần đó trong cả điều lệ và pháp luật về chứng khoán. Pháp luật về chứng khoán hiện hành không quy định về loại cổ phần ưu đãi khác nào. Điều lệ công ty không thể quy định về một loại cổ phần khác nếu pháp luật chứng khoán không có quy định. Do đó, công ty cổ phần chỉ có thể có các loại cổ phần ưu đãi đã được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp (gồm cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi biểu quyết) mà không thể có loại cổ phần ưu đãi khác nào. Tuy nhiên, các công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng chào bán cổ phần riêng lẻ hoặc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu (không chào bán cổ phần ra công chúng) không chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán. Tôi xin hỏi, các công ty cổ phần đó có thể có loại cổ phần khác theo quy định của điều lệ hay không (bất kể pháp luật về chứng khoán có quy định hay không)?
Ngày: 26/05/2024
Tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp quy định:
"2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;
b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán".
Tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp nêu trên, "cổ phần ưu đãi khác" quy định tại Điểm d là cổ phần có nội dung ưu đãi khác với nội dung ưu đãi quy định Điểm a, Điểm b, Điểm c và được quy định tại pháp luật về chứng khoán.
Về cổ phần ưu đãi theo pháp luật về chứng khoán, đề nghị tham khảo quy định tại Khoản 1 và 5 Điều 4 Luật Chứng khoán và các quy định có liên quan tại các văn bản hướng dẫn Luật này, đồng thời tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán để được biết thông tin cụ thể hơn.
Hỏi: Điều kiện giảm khoảng cách an toàn công trình dầu khí
Nghị định số 13/2011/NĐ-CP và số 25/2019/NĐ-CP về an toàn dầu khí trên đất liền quy định, việc giảm khoảng cách an toàn từ công trình dầu khí tới các đối tượng tiếp giáp theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này phải áp dụng một trong các giải pháp an toàn kỹ thuật tăng cường quy định tại Điều 24 của Nghị định này phù hợp với đối tượng công trình. Tôi xin hỏi, việc áp dụng giảm khoảng cách này chỉ được giảm một hay được giảm nhiều biện pháp kỹ thuật an toàn?
Ngày: 20/05/2024
Trong phần chú thích tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 25/2019/NĐ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/02/2011 của Chính phủ về an toàn dầu khí trên đất liền, nêu rõ: "Khi áp dụng một hoặc nhiều giải pháp kỹ thuật tăng cường khoảng cách tối đa được giảm không được vượt quá 50% và khoảng cách tối thiểu không nhỏ hơn 10m".
Hỏi: Điều kiện làm cửa hàng trưởng bán lẻ xăng dầu
Tôi xin hỏi, theo quy định hiện hành, để được làm cửa hàng trưởng cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì có bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ cửa hàng trưởng hay không?
Ngày: 20/05/2024
Theo quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để cửa hàng xăng dầu được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là "Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành" (Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu).
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, chứng chỉ nghiệp vụ cửa hàng trưởng cửa hàng bán lẻ xăng dầu không là điều kiện bắt buộc khi Sở Công Thương thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, thương nhân chủ sở hữu cửa hàng xăng dầu có thể cử hoặc đề nghị cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh đi đào tạo thêm nghiệp vụ cửa hàng trưởng cửa hàng bán lẻ xăng dầu để bảo đảm hoạt động kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu đạt hiệu quả cao.
Hỏi: Thủ tục cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất
Công ty tôi chuyên sản xuất, kinh doanh hóa chất tẩy rửa. Công ty muốn mua hóa chất thuộc nhóm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp (cụ thể là Phosphoric acid) để bán lại cho khách hàng. Xin hỏi, công ty tôi cần xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp hay giấy phép đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp?
Ngày: 14/05/2024
Nếu công ty mua hóa chất thuộc nhóm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp (cụ thể là Phosphoric acid) để bán lại cho khách hàng thì cần phải được Sở Công Thương thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
Thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được quy định tại Điểm 2 Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
Liên quan đến kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở
Hiện nay, Phòng KT&HT huyện đang gặp khó khăn trong công tác tham mưu thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu:
+ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện: Tại Điều 7, Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ không quy định UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch ứng phó của địa phương. Tuy nhiên, tại tiết 2.12, mục 2, phần V của Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện: “Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện”. Đề nghị Sở xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thống nhất với Quy chế được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
+ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở: Đề nghị Sở tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn về xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở.
- Thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện (Khoản 7, Điều 7 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu): Nội dung thẩm định và cơ sở nào thuộc đối tượng UBND huyện quản lý?
Ngày: 13/05/2024
Nội dung thẩm định, thời gian thẩm định
Nội dung thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đối với các cơ sở kinh doanh xăng theo quy định tại Phụ lục II, Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg.
Thời gian thẩm định, phê duyệt quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 8 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg
Cơ sở nào thuộc đối tượng UBND huyện quản lý
Khoản 7, Điều 7 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg quy định: “7. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hoặc cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt theo quy định (đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu không thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý). Kế hoạch được thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp thực hiện.”
Mức độ sự cố tràn dầu được quy định tại Điều 6 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg “Điều 6. Phân loại mức độ sự cố tràn dầu
1. Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Cụ thể:
a) Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3 (tấn);
b) Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 m3 (tấn) đến 500 m3 (tấn);
c) Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 m3 (tấn).”
Hỏi: Cách xác định chi phí lắp đặt công trình điện
Tôi xin hỏi, thành phần chi phí trực tiếp theo hướng dẫn của Thông tư số 36/2022/TT-BCT ban hành bộ định mức dự toán chuyên ngành lắp đặt đường dây tải điện và lắp đặt trạm biến áp có bao gồm các loại vật tư, thiết bị thuộc đối tượng lắp đặt không?
Ngày: 13/05/2024
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 36/2022/TT-BCT ngày 22/12/2022 phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ.
Định mức dự toán xây dựng kèm theo Thông tư số 36/2022/TT-BCT là cơ sở để lập đơn giá lắp đặt các công trình điện.
Dự toán xây dựng công trình điện thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 4 Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 11/2021/TT-BXD quy định:
"Chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và phương pháp hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư này. Chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng. Chi phí trực tiếp xác định theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết tại Mục I Phụ lục III Thông tư này và một số quy định cụ thể sau:
a) Khối lượng đo bóc, tính toán từ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình;
b) Đơn giá xây dựng chi tiết, giá xây dựng tổng hợp xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục IV Thông tư này".
Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đề nghị Sở xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, hoặc ban hành văn bản thay thế Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên về ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ngày: 06/05/2024
Nội dung trao đổi liên quan đến Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND, ngày 16/6/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy định quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Từ thực tế triển khai thực hiện Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND gặp phải một số vướng mắc, khó thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2975/QĐ-UBND ngày 28/11/2023, về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ tỉnh Thái Nguyên năm 2023; theo đó, tại Mục II, Phụ lục Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, thực hiện bãi bỏ thủ tục hành chính phê duyệt kế hoạch chuyển đổi chợ đối với thủ tục hành chính của Sở Công Thương; kiến nghị thực thi: Ban hành văn bản thay thế Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND ngày 16/6/2014. Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 1249/SCT-QLTM&HNKTQT đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng quy trình bãi bỏ Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND và dự kiến thực hiện xong trong tháng 7/2024.