Kiến nghị Bộ Công thương chỉ cho phép và khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến
Chính sách tạm nhập tái xuất đang vô tình giúp các DN Trung Quốc lách được thuế nhập khẩu và tạo bất lợi cho DN thủy sản Việt Nam. Vì thế, kiến nghị Bộ Công thương chỉ cho phép và khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến, xuất khẩu và nhập nguyên liệu về để gia công xuất khẩu.

Xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu tân thanh (Ảnh: internet)
Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (Vasep) vấn đề gỡ vướng một số bất cập và vướng mắc của DN thủy sản, nhằm thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19/2016.
Theo ông Nam, hiện nay các DN thủy sản đang phải chịu sự cạnh tranh quốc tế gay gắt với nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador, Indosia, đặc biệt là Ấn Độ bởi các nước này có giá thành tốt hơn Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Bộ Công thương có chính sách tạm nhập, tái xuất nguyên liệu nông thủy sản qua biên giới hay còn gọi là chính sách biên mậu, gây cản trở sự phát triển cũng như nâng cao sức cạnh tranh của DN thủy sản Việt Nam.
Cụ thể theo ông Nam, chính sách tạm nhập tái xuất (TNTX) đang cho phép các DN Trung Quốc mua nguyên liệu tôm, cá… cùng các thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm và rau, củ quả khác đều nhập khẩu vào cảng Hải Phòng; sau đó vận chuyển lên biên giới để xuất sang Trung Quốc theo chính sách hàng biên mậu của Việt Nam, Trung Quốc.
Theo ý kiến phản ánh của một số DN thủy sản, chính sách này đang vô tình giúp các DN Trung Quốc lách được thuế nhập khẩu. Nguồn tôm, cá đó lại được biến thành nguồn tôm, cá của Trung Quốc. Các DN Trung Quốc không chỉ hoàn thuế VAT khi xuất khẩu, mà họ còn có thể kê khai tăng số lượng. chính vì thế mà họ bán tôm, cá, nước… sang Mỹ, Nhật, EU giá rẻ hơn, làm phá giá thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.
Vì thế, để hạn chế thiệt hại cho các DN thủy sản Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN thủy sản, Vasep kiến nghị Bộ Công thương xem xét trình Chính phủ bỏ chính sách TNTX này, chỉ cho phép và khuyến khích nhập nguyên liệu về để chế biến, xuất khẩu và gia công xuất khẩu.
Ngoài ra, đối với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, ông Nam cho rằng cần có cải cách thủ tục hành chính hơn nữa. Đơn cử như một số quy định của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm soát ATTP thủy sản xuất khẩu, gồm hoạt động "thẩm tra" của Nhà nước, lô hàng sản xuất với nhiều tiêu chí ràng buộc...
Bên cạnh đó, "các bộ, ngành cũng cần đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long để có các biện pháp nhằm cân đối ba yếu tố thời vụ thả nuôi, sản xuất giống, sản xuất thức ăn nhằm tránh tình trạng thiếu thừa dẫn đến tăng cao giá thành sản xuất nguyên liệu, sản lượng thu hoạch và chất lượng nguyên liệu thủy sản", ông Nam đề xuất./.
Ngọc Oanh