Hỏi: Thiết bị nào phải kiểm định kỹ thuật an toàn?
Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH về ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định, pa lăng điện, pa lăng kéo tay có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên nằm trong danh mục yêu cầu phải kiểm định. Theo QCVN 13: 2013/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với pa lăng điện thì Quy chuẩn này áp dụng cho pa lăng điện thông dụng cố định và di động dùng cáp hoặc xích được sử dụng như một cơ cấu nâng hạ độc lập hoặc cơ cấu nâng hàng di chuyển theo một phương nhất định có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên. Tôi xin hỏi, đối với pa lăng điện tải trọng nâng dưới 1.000 kg có yêu cầu phải kiểm định không, nếu có thì sẽ kiểm định căn cứ theo quy trình, quy chuẩn nào?
Ngày: 18/11/2024
Các pa lăng điện có tải trọng nâng dưới 1.000 kg là thiết bị thuộc Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vì vậy, các pa lăng điện nêu trên phải thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn theo QTKĐ: 09- 2016/BLĐTBXH Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị nâng kiểu cầu (cầu trục, cổng trục, bán cổng trục, pa lăng điện) ban hành kèm theo Thông tư số 54/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi đưa vào sử dụng theo quy định.
Hỏi: Quy chuẩn an toàn trong bảo dưỡng, sửa chữa công trình điện gió
Tôi làm việc tại trang trại điện gió, công việc chủ yếu là bảo dưỡng, sữa chữa các hư hỏng trên cánh quạt bằng hình thức leo dây tiếp cận, hoặc dùng sàn thao tác, công việc chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết. Tôi tham khảo QCVN 18:2021/BXD, trong đó Mục 2.1.11.2 (a) có nêu, cấm người làm việc trong điều kiện thời tiết có áp thấp nhiệt đới, bão hoặc gió mạnh ứng với cấp gió từ cấp 5 trở lên. Tại Mục 1.1.2.1(b) thì phạm vi điều chỉnh của bộ quy chuẩn này liệt kê các công trình như, trụ, tháp, cột... Tôi xin hỏi, đối với hoạt động làm việc trên cao tại các trang trại, tuabine điện gió để bảo dưỡng, sửa chữa, trang thiết bị có phải tuân theo bộ quy chuẩn quốc gia trên không?
Ngày: 18/11/2024
Theo nội dung trình bày trong câu hỏi thì công việc của ông Lê Trung Lộc là làm việc trên cao tại trang trại, tuabine điện gió để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lắp đặt vào công trình (bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng trên cánh quạt tuabine công trình điện gió).
Trong trường hợp này, theo quy định tại Khoản 38 Điều 2 và Điều 33 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, Mục 1.1 QCVN 18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng thì công việc bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lắp đặt vào công trình nêu trên là công việc bảo trì công trình xây dựng.
Việc thực hiện bảo trì công trình xây dựng phải tuân thủ các điều kiện nhằm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường tại quy trình bảo trì công trình xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt theo quy định pháp luật và các quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, QCVN 18:2021/BXD và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Hỏi: Công trình đấu nối vào lưới điện cần đáp ứng điều kiện gì?
Hiện nay một số công trình điện trên địa bàn tỉnh trước khi đấu nối phải có thỏa thuận đấu nối với Công ty điện lực, trong đó có yêu cầu chủ đầu tư phải áp dụng một số vật tư, vật liệu, thiết bị đưa vào phải áp dụng theo bộ tiêu chuẩn cơ sở do Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành. Tôi xin hỏi, Công ty Điện lực yêu cầu như vậy có đúng quy định không? Nếu áp dụng theo Bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) thì công trình có được đấu nối vào lưới điện quốc gia không?
Ngày: 19/08/2024
Đối với công trình đầu tư theo Luật Xây dựng, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn nước ngoài (TCNN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), trong đó đối với công trình điện có Quy phạm trang bị điện 11 TCN-18-2006 do Bộ Công Thương ban hành đều thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Căn cứ Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ Xây dựng quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng.
Theo đó, tiêu chuẩn (bao gồm: TCVN; TCNN; TCCS) được áp dụng trong hoạt động xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện ngoại trừ các tiêu chuẩn được trích dẫn trong quy chuẩn hoặc văn bản quy phạm pháp luật.
Các công trình đầu tư theo Luật Xây dựng, được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, theo đó việc áp dụng tiêu chuẩn bảo đảm phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng, là cơ sở để người quyết định đầu tư triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm áp dụng.
Như vậy tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với công trình là căn cứ để chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công việc/hạng mục/công trình hoàn thành và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình trước khi đưa vào sử dụng theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và các quy định hiện hành liên quan.
Đối với công trình điện, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư thì công trình được đóng điện vào lưới điện quốc gia.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đơn vị quản lý các hệ thống lưới điện phân phối có thể căn cứ các tiêu chuẩn, quy phạm, quy chuẩn hiện hành theo quy định để xây dựng một bộ tiêu chuẩn cơ sở riêng cho việc thực hiện thiết kế đối với công trình xây dựng do EVN đầu tư hoặc để đánh giá đối với các thiết kế công trình xây dựng do chủ đầu tư khác xây dựng khi có đấu nối đến hệ thống lưới điện do EVN sở hữu và quản lý, bảo đảm hệ thống điện đồng bộ, vận hành an toàn, tin cậy và kinh tế.
Hỏi: Có được kế thừa hồ sơ môi trường khi thay đổi chủ đầu tư?
Công ty A có 2 địa điểm hoạt động tại lô A1 và B1 cùng khu công nghiệp đã thực hiện hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng tài sản gắn với quyền sử dụng đất cho công ty B. Công ty A đã được UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường để thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường cho dự án A tại lô A1 và B1. Sau khi nhận chuyển nhượng tài sản nêu trên, công ty B được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi tiếp nhận tài sản, công ty B thực hiện các nội dung của dự án nhà máy B với toàn bộ quy mô, công suất, các công trình bảo vệ môi trường đã được công ty A đầu tư xây dựng tại lô B1. Tôi xin hỏi, dự án nhà máy B có được xem là một dự án mới hay không và có được kế thừa các kết quả của hồ sơ môi trường trước đây hay không?
Ngày: 03/06/2024
Đối với nội dung kiến nghị liên quan đến đánh giá tác động môi trường, công ty B được kế thừa các quyền và nghĩa vụ có trong đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt theo phạm vi được nhận chuyển nhượng từ công ty A (nếu có đánh giá tác động môi trường còn hiệu lực) theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường:
"Trường hợp có thay đổi chủ dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thông báo cho cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh".
Ngoài ra, cần lưu ý, theo quy định tại Khoản 6 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường, kể từ ngày giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hết hiệu lực.
Liên quan đến kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở
Hiện nay, Phòng KT&HT huyện đang gặp khó khăn trong công tác tham mưu thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu:
+ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện: Tại Điều 7, Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ không quy định UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch ứng phó của địa phương. Tuy nhiên, tại tiết 2.12, mục 2, phần V của Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện: “Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện”. Đề nghị Sở xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thống nhất với Quy chế được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
+ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở: Đề nghị Sở tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn về xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở.
- Thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện (Khoản 7, Điều 7 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu): Nội dung thẩm định và cơ sở nào thuộc đối tượng UBND huyện quản lý?
Ngày: 13/05/2024
Nội dung thẩm định, thời gian thẩm định
Nội dung thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đối với các cơ sở kinh doanh xăng theo quy định tại Phụ lục II, Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg.
Thời gian thẩm định, phê duyệt quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 8 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg
Cơ sở nào thuộc đối tượng UBND huyện quản lý
Khoản 7, Điều 7 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg quy định: “7. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hoặc cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt theo quy định (đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu không thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý). Kế hoạch được thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp thực hiện.”
Mức độ sự cố tràn dầu được quy định tại Điều 6 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg “Điều 6. Phân loại mức độ sự cố tràn dầu
1. Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Cụ thể:
a) Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3 (tấn);
b) Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 m3 (tấn) đến 500 m3 (tấn);
c) Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 m3 (tấn).”
Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở
Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở: Đề nghị Sở tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn về xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở.
Ngày: 06/05/2024
Phụ lục II, Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg đã ban hành “ĐỀ CƯƠNG BỐ CỤC, NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP HUYỆN VÀ CẤP CƠ SỞ” trong đó có nêu mục đích, yêu cầu; đành giá tình hình; tổ chức lực lượng phương tiện ứng phó; dự kiến tình huống tràn dầu, biện pháp xử lý; nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; công tác đảm bảm và tổ chức chỉ huy với các đề mục rõ ràng.
Về công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu Sở đang xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện và sẽ triển khai ngay sau khi được UBND tỉnh cấp kinh phí.
Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện
Tại Điều 7, Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ không quy định UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch ứng phó của địa phương. Tuy nhiên, tại tiết 2.12, mục 2, phần V của Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện: “Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện”. Đề nghị Sở xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thống nhất với Quy chế được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngày: 06/05/2024
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (Cơ quan Thường trực tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứ nạn tỉnh) được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Thái Nguyên. Cơ quan thường trực đã xây dựng dự thảo Kế hoạch và lấy ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố 2 lần (lần 1 tại Văn bản số 46/BCH-TKCN ngày 07/12/2021). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia, và quy định tại Quyết định số 12, cơ quan thường trực trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch.
Phụ lục II, Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ban hành đề cương bố cục, nội dung của KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CẤP HUYỆN VÀ CẤP CƠ SỞ, tiểu mục 2.12, mục 2, phần V Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện “Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện” là phù hợp theo quy định tại Phụ lục II Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg và làm cơ sở để địa phương phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu theo quy định tại khoản 7, Điều 7 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg.
Thủ tục cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất
Công ty tôi chuyên sản xuất, kinh doanh hóa chất tẩy rửa. Công ty muốn mua hóa chất thuộc nhóm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp (cụ thể là Phosphoric acid) để bán lại cho khách hàng. Xin hỏi, công ty tôi cần xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp hay giấy phép đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp?
Ngày: 15/04/2024
Nếu công ty mua hóa chất thuộc nhóm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp (cụ thể là Phosphoric acid) để bán lại cho khách hàng thì cần phải được Sở Công Thương thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
Thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được quy định tại Điểm 2 Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
Liên quan đến nhập khẩu mặt hàng methyl methacrylate monomer, dạng lỏng (MMA)
Công ty tôi nhập khẩu mặt hàng methyl methacrylate monomer, dạng lỏng (MMA) để sản xuất tấm nhựa. Xin hỏi, căn cứ theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam thì mặt hàng hóa chất methyl methacrylate monomer nêu trên có được xác định là hóa chất cơ bản hay không?
Ngày: 25/02/2024
Căn cứ Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất không quy định về danh mục các hóa chất cơ bản.
Ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đó các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ các nội dung ở trên, để có đầy đủ cơ sở trả lời câu hỏi của công dân, đề nghị doanh nghiệp tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính về việc nhập khẩu mặt hàng của công ty có tương ứng với mô tả hàng hóa tại danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Cách ghi nhãn hóa chất
Kính gửi Sở Công thương,
Theo khoản 2 điều 16 Thông tư 04/2012/TT-BCT ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Bộ Công thương về Quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất là mục Mã nhận dạng hóa chất. Vậy cho tôi hỏi Mã nhận dạng này là mã gì. Xin quý Sở thông tin cho tôi rõ hơn về loại mã này.
Ngày: 29/04/2022
Mã nhận dạng hóa chất có thể được xác định theo 02 mã số sau:
- Số CAS (Chemical Abstracts Service): số đăng ký hóa chất trích yếu (chuỗi số định danh duy nhất cho mỗi hóa chất).
- Số UN (United Nation): mã số Liên Hiệp quốc
Doanh nghiệp có thể ghi đồng thời cả 02 mã số trên nhãn hóa chất. Tuy nhiên, các mã số đó phải phù hợp với ký hiệu sử dụng trên Phiếu an toàn hóa chất có tên tiếng Anh (MSDS).
Đối với hỗn hợp chất, hoặc số CAS hoặc số UN sẽ không được xác định (không có thông tin) trên MSDS.