Công ty tôi nhập hàng hóa trong nước và xuất bán trong khu cách ly của sân bay. Tôi xin hỏi, tiền thuế đầu vào đó bên tôi có được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) không? Khách hàng của công ty tôi là khách lẻ. Mặt hàng bán là nước uống đóng chai, giấy vệ sinh, giấy lau tay, đồ thủ công mỹ nghệ... Hiện số thuế đầu vào khoảng 900 triệu đồng. Vậy, hàng hóa nhập mua của công ty tôi đang chịu thuế đầu vào 8%, 10%, đầu ra là 0% thì số thuế đó có được khấu trừ đầu vào không?
Ngày: 04/09/2024
Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ:
Tại Điều 9 quy định về thuế suất 0%:
"Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại Khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
+ Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
3. Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% gồm:
- Tái bảo hiểm ra nước ngoài; chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn, cấp tín dụng, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài; dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông chiều đi ra nước ngoài (bao gồm cả dịch vụ bưu chính viễn thông cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; cung cấp thẻ cào điện thoại di động đã có mã số, mệnh giá đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào khu phi thuế quan); sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan, trừ các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;".
Tại Điều 14 quy định nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào;
Tại Điều 15 quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào;
Tại Điều 16 quy định điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
Căn cứ Điều 2 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016) quy định hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
"4. Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
a) Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ nội địa thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế GTGT tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.
Đối tượng được hoàn thuế trong một số trường hợp xuất khẩu như sau: Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu, là cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu; đối với gia công chuyển tiếp, là cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với phía nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài, là doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ là cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.
b) Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan".
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp công ty mua hàng hóa trong nước xuất bán trong khu cách ly của sân bay, khách hàng là cá nhân không thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 0% theo quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC và không thuộc trường hợp hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 25/2018/TT-BTC. Công ty được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào nếu đáp ứng điều kiện tại Điều 14, 15, 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Đề nghị ông căn cứ tình hình thực tế, đối chiếu với các văn bản pháp luật về thuế để thực hiện đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị ông cung cấp hồ sơ liên quan đến vướng mắc và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.
Hỏi: Doanh nghiệp nước ngoài có phải xin giấy phép khi bán lẻ?
Tôi làm việc tại công ty 100% vốn nước ngoài, có giấy phép đầu tư và giấy phép kinh doanh từ tháng 12/2019. Hiện, công ty muốn kinh doanh bán lẻ tại trụ sở và trên các trang thương mại điện tử. Xin hỏi, công ty tôi có cần xin giấy phép bán lẻ không? Giấy phép đầu tư của công ty tôi tại phần mục tiêu hoạt động có ghi như sau: ’Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn và quyền phân phối bán lẻ các hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, và danh mục hàng hóa không được phân phối theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc không thuộc diện hạn chế theo cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên’.
Trả lời
Ngày: 15/07/2024
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: "Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ".
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ: "Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để lập cơ sở bán lẻ".
Theo các quy định trên, để thực hiện hoạt động bán lẻ tại trụ sở, công ty cần thực hiện thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho địa điểm là trụ sở này.
Hỏi: Hàng hóa nào phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu?
Công ty tôi nhập khẩu các mặt hàng cần kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hoá nhóm 2 tại khu vực TPHCM theo Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 6/4/2021. Mặt hàng là bộ phân chia và khuếch đại 9go62m 4 dây điện, 2 cuộn cáp tivi (250 m/cuộn), 2 cái khuếch đại, 50 cái đầu kết nối RF, 50 cái đầu kết nối F, hiệu EBY/LIX/Mwshine, model: SP-03/MW-BLE-M22, hàng mới 100% (HS code: 85371099). Xin hỏi, công ty tôi phải làm thủ tục thế nào và ở đâu?
Ngày: 02/07/2024
Từ ngày 15/2/2024, Thông tư số 41/2023/TT-BCT quy định danh mục, sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương có hiệu lực, đã bãi bỏ một số hàng hóa liên quan đến thiết bị điện phòng nổ (HS code: 85371099) trước đây phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 6/4/2021, do đó các hàng hóa có mã HS nêu trên sẽ không phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2.
Công ty cần chủ động rà soát tên danh mục hàng hóa trước khi nhập khẩu, nếu hàng hóa không thuộc danh mục theo quy định tại Thông tư số 41/2023/TT-BCT thì không phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Nông sản xuất khẩu khai nộp những loại thuế nào?
Đơn vị tôi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mua, sản xuất tinh bột sắn. Hiện tại đơn vị đang đàm phán hợp đồng ủy thác xuất khẩu với công ty đối tác để xuất hàng đi nước ngoài. Tôi xin hỏi, khi đơn vị tôi bán hàng tinh bột sắn cho đối tác để xuất khẩu thì hàng hóa phải chịu những loại thuế gì và thuế suất là bao nhiêu? Đơn vị tôi thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ.
Ngày: 11/03/2024
Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT:
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 quy định về thuế suất 0%:
"Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại Khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư này".
Tại Điều 11 quy định về Thuế suất 10%:
"Điều 11. Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại…".
Căn cứ các quy định trên, trường hợp đơn vị ông khi xuất bán mặt hàng tinh bột sắn đơn vị áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%. Căn cứ vào thực tế mã ngành sản phẩm mà công ty sản xuất ra, đơn vị thực hiện đối chiếu theo Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội để xác định mặt hàng được hưởng ưu đãi giảm thuế GTGT.
Trường hợp đơn vị ký hợp đồng ủy thác xuất khẩu với công ty đối tác để xuất hàng đi nước ngoài, đối với mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu nếu đáp ứng đủ điều kiện đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 nêu trên thì áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0%.
Đối với thuế xuất khẩu đề nghị đơn vị liên hệ Cục Hải quan để được hướng dẫn.
Thế nào là hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa?
Công ty tôi có 100% vốn nước ngoài. Công ty có hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất giấy tại Việt Nam và bán buôn, bán lẻ cho thị trường trong nước, xuất khẩu đi các nước khác. Hiện tại, công ty tôi có nhu cầu nhập khẩu thêm sản phẩm giấy thành phẩm của các tổ chức phân phối ở nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, công ty sẽ phân phối lại giấy nhập khẩu và giấy tự sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu đi các nước khác tùy nhu cầu của khách hàng. Tôi xin hỏi, hoạt động kinh doanh nhập khẩu giấy thương phẩm từ nước ngoài về Việt Nam và kinh doanh, phân phối trong nước, xuất khẩu cho các nước khác như nêu trên có được xác định là hoạt động ’Tạm nhập, tái xuất hàng hóa’ theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP không? Hoạt động này có bị giới hạn thực hiện đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo Nghị định trên hay không?
Ngày: 26/02/2024
Về hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài, theo Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định:
"Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Quyền phân phối là quyền thực hiện trực tiếp các hoạt động phân phối".
Trường hợp công ty có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm giấy thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam sau đó phân phối cho các doanh nghiệp trong nước hoặc xuất khẩu đi các nước khác, đề nghị công ty nghiên cứu thực hiện quy định liên quan về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP nêu trên.
Nếu có vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) để được hướng dẫn.
Về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tại Điều 29 Luật Thương mại quy định: "Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam".
Căn cứ Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương:
"... 2. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
3. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra khỏi Việt Nam. Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định...".
Trường hợp công ty đối chiếu, xác định có nhu cầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất, đề nghị Công ty nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Thương mại, Điều 39, 40 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP nêu trên.
Nếu có vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để được hướng dẫn.
Hải quan yêu cầu những giấy tờ gì ngoài Tờ khai khi xuất, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa?
Các loại hình khai báo hàng hóa khác nhau yêu cầu các loại giấy tờ khác nhau, nhưng một số loại giấy tờ có tính chất bắt buộc đối với tất cả các hình thức xuất, nhập khẩu, quá cảnh.
Ngày: 21/02/2024
Các loại hình khai báo hàng hóa khác nhau yêu cầu các loại giấy tờ khác nhau, nhưng một số loại giấy tờ có tính chất bắt buộc đối với tất cả các hình thức xuất, nhập khẩu, quá cảnh. Danh sách dưới đây được chia thành giấy tờ bắt buộc và giấy tờ có thể được yêu cầu tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể.
1. Giấy tờ bắt buộc:
- Tờ khai hải quan.
- Vận đơn. Vận đơn bao gồm Vận đơn phụ cho hoạt động vận chuyển và Vận đơn Hàng không, Vận đơn chủ và Vận đơn của người giao nhận sử dụng cho vận tải hàng không. Các kiện hàng chuyển phát có thể yêu cầu Vận đơn, là một phần của Vận đơn chủ hoặc Vận đơn của người giao nhận hoặc Vận đơn chuyển phát, tùy thuộc vào cách thức các kiện hàng được gom.
- Hóa đơn và hóa đơn phụ nếu có.
- Thỏa thuận và thông báo thanh toán.
- Bản lược khai hàng hóa (áp dụng cho tất cả các phương thức vận tải).
2. Các loại giấy tờ khác có thể được yêu cầu tùy theo trường hợp bao gồm:
- Hóa đơn chiếu lệ.
- Biên bản giám định hàng hóa.
- Giấy chứng nhận xuất xứ.
- Giấy phép, chứng nhận chấp thuận và các chứng nhận khác (ví dụ: chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng), Tờ khai hạn ngạch và Hồ sơ quản lý hạn ngạch.
- Bản lược khai hàng hóa.
- Giấy chứng nhận phòng thí nghiệm và thử nghiệm.
- Mô tả kiện và các yêu cầu về bảo quản và đóng gói, đặc biệt đối với hàng hóa nguy hiểm.
- Tờ khai hàng hóa nguy hiểm.
- Giấy chứng nhận người dùng cuối.
- Phiếu báo thanh toán và Bảng kê thông tin ngân hàng.
HS code là gì?
Trong tất cả các hiệp định thương mại tự do, các sản phẩm được xác định bằng một hệ thống được gọi là Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa. Hệ thống này thường được gọi là Hệ thống hài hòa và được viết tắt là HS hoặc HSCode.
Ngày: 19/02/2024
Tìm hiểu cách một FTA hiển thị một sản phẩm cụ thể yêu cầu xác định chính xác.
Trong tất cả các hiệp định thương mại tự do, các sản phẩm được xác định bằng một hệ thống được gọi là Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa. Hệ thống này thường được gọi là Hệ thống hài hòa và được viết tắt là HS hoặc HSCode.
HS bao gồm khoảng 5000 loại sản phẩm sáu chữ số. Thông thường, các quốc gia chia nhỏ các danh mục này thành tám chữ số trở lên. Điều này có nghĩa là sáu chữ số đầu tiên của mã HS sẽ là chung cho tất cả các quốc gia, tuy nhiên các chữ số sau mã này có thể không giống nhau ở tất cả các quốc gia ngay cả khi sản phẩm của bạn giống nhau. Cuối cùng, cơ quan hải quan của nước nhập khẩu sẽ xác định xem một sản phẩm có được phân loại và xác định chính xác tại thời điểm nó đến cửa khẩu hay không.
Làm thế nào để tìm ra Mã HS áp dụng cho sản phẩm của bạn?
Ngoài việc tra cứu sản phẩm theo từ khóa tìm kiếm, bạn cũng có thể duyệt theo danh mục. Để chuyển đổi các chế độ tìm kiếm, bạn có thể chọn tab danh mục trong thanh tìm kiếm ở đầu mỗi trang.
Tìm kiếm hoặc duyệt tên hoặc mô tả sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử về Hiệp định Thương mại tự do (FTA Portal) sẽ hiển thị kết quả tìm kiếm của các kết quả phù hợp có thể có. Kết quả tìm kiếm/ duyệt cần được xem xét cẩn thận, vì có nhiều sản phẩm có mã và mô tả tương tự, nhưng tính chất thay đổi dựa trên đặc tính sản phẩm và mục đích sử dụng.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) là gì?
Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một hiệp ước giữa hai hay nhiều quốc gia trong đó các quốc gia thỏa thuận về các nghĩa vụ nhất định tác động đến thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, và các lĩnh vực khác. Theo chính sách thương mại tự do, hàng hóa và dịch vụ có thể được mua và bán qua biên giới quốc tế với mức thuế rất thấp hoặc bằng 0, hạn ngạch, trợ cấp hoặc các biện pháp cấm của chính phủ là rào cản của thương mại.
Ngày: 19/02/2024
Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một hiệp ước giữa hai hay nhiều quốc gia trong đó các quốc gia thỏa thuận về các nghĩa vụ nhất định tác động đến thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, và các lĩnh vực khác. Theo chính sách thương mại tự do, hàng hóa và dịch vụ có thể được mua và bán qua biên giới quốc tế với mức thuế rất thấp hoặc bằng 0, hạn ngạch, trợ cấp hoặc các biện pháp cấm của chính phủ là rào cản của thương mại.
Nếu bạn đang muốn xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, Việt Nam có thể đã đàm phán đối xử thuận lợi thông qua một FTA để tạo điều kiện thủ tục dễ dàng hơn và với mức thuế thấp hơn cho bạn. Việc tiếp cận các lợi ích của FTA đối với sản phẩm có thể đòi hỏi phải ghi chép nhiều hơn nhưng cũng có thể mang lại cho sản phẩm lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm từ các quốc gia khác.
- Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan nếu đủ điều kiện. Ví dụ, một quốc gia thường đánh thuế 12% giá trị của sản phẩm nhập khẩu sẽ xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm có xuất xứ (như được định nghĩa trong FTA) tại quốc gia xuất khẩu, điều này làm cho sản phẩm của bạn có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường.
- Bảo hộ sở hữu trí tuệ: bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia đối tác FTA.
- Tiêu chuẩn sản phẩm: khả năng cho các nhà xuất khẩu tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn sản phẩm ở nước đối tác FTA.
Các doanh nghiệp dịch vụ: khả năng các nhà cung cấp dịch vụ của nước xuất khẩu cung cấp dịch vụ của họ ở nước đối tác FTA.
Xin cấp phép C/O có phải nộp phí không?
Ngày 06/6/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 36/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Ngày: 19/02/2024
Ngày 06/6/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 36/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
2. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại khoản 17 Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
b) Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định pháp luật quản lý ngoại thương.
c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Điều 2. Người nộp phí
Người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là thương nhân quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này có hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Điều 3. Tổ chức thu phí
Tổ chức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư này, gồm: Bộ Công Thương và tổ chức khác được Bộ Công Thương ủy quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Điều 4. Mức thu phí
Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau:
1. Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ C/O.
2. Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.
Làm thế nào tôi có thể yêu cầu chế độ thuế ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu của mình?
Nhà nhập khẩu cần có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để chứng minh hàng hóa đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan theo một số Hiệp định thương mại tự do. Người dùng có thể xem Quy tắc xuất xứ áp dụng cho từng mặt hàng bằng cách tra cứu theo tên hàng hoặc mã HS cụ thể. Hướng dẫn chi tiết về cách xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có trên trang web của VNTR.
Ngày: 19/02/2024
Nhà nhập khẩu cần có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để chứng minh hàng hóa đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan theo một số Hiệp định thương mại tự do. Người dùng có thể xem Quy tắc xuất xứ áp dụng cho từng mặt hàng bằng cách tra cứu theo tên hàng hoặc mã HS cụ thể. Hướng dẫn chi tiết về cách xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có trên trang web của VNTR.
Xin C/O Form D cho hàng xuất vô Kho Ngoại Quan
Công ty ABS sản xuất và xuất khẩu hàng Furniture cho một công ty Ammy ở Mỹ, tuy nhiên Công ty Ammy này chỉ định công ty của tôi giao vô Kho Ngoại Quan TBS Logistics. Sau đó công ty Ammy chỉ định chủ Kho ngoại quan TBS Logistics xuất hàng cho công ty Nutiway tại Thái Lan. Hiện giờ Công ty Ammy yêu cầu bên Công ty tôi xin C/O Form D cho Công ty Nutiway.
Tôi muốn hỏi, có thể xin C/O form D cho hàng đi từ Kho Ngoại Quan được không nếu thông tin chứng từ thể hiện như sau:
1. Trên C/O tại ô số 1 thể hiện tên và địa công ty xuất khẩu là công ty em ABS
2. Trên B/L tại ô shipper/exporter: thể hiện công ty TBS Logistics (On behalf of Ammy Company)
3. Invoice, PL, Hợp đồng giữa công ty ABS và Ammy có chỉ định hàng giao vô Kho Ngoai Quan TBS Logistics
4. Invoice, PL, Hợp đồng bên Ammy và Nutiway
5. Các chứng từ được bổ sung từ kho ngoại quan TBS:
5.1 Lệnh giao hàng do công ty Ammy chỉ định công ty ABS giao cho công ty Nutiway
5.2 Phiếu xuất nhập kho và Danh mục xuất nhập kho
5.3 Tờ khai xuất OLA
Ngày: 28/04/2022
Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ quy định “Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan đến các nước thành viên theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”.
Theo đó, việc Công ty sản xuất, bán hàng cho thương nhân Hoa Kỳ, được chỉ định giao hàng vào kho ngoại quan, sau đó giao tiếp cho nhà nhập khẩu Thái Lan có thể được xem xét cấp C/O mẫu D trong trường hợp hàng hóa đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa trong ATIGA. Hồ sơ đề nghị cấp C/O thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nói trên.
Đề nghị Công ty liên hệ với Phòng Quản lý XNK khu vực, nơi Công ty đăng ký hồ sơ thương nhân để được hướng dẫn cụ thể. Danh sách các Phòng Quản lý XNK khu vực và thông tin liên hệ được đăng tải trên Hệ thống Quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ https://ecosys.gov.vn.
Nhập khẩu và kinh doanh ghế massage của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam
Xin hỏi cá nhân, tổ chức muốn nhập khẩu và kinh doanh ghế massage của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam thì cần những thủ tục, giấy tờ, tiêu chuẩn, giấy chứng nhận, giấy phép, mã số thuế...như thế nào và các bước tiến hành như thế nào để làm theo đúng quy định pháp luật và đơn giản nhất.
Ngày: 28/03/2022
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, mặt hàng ghế massage không thuộc doanh mục mặt hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu nên cá nhân, tổ chức muốn nhập khẩu mặt hàng ghế massage được tự do hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đối với mặt hàng trên mà không phải xin giấy phép nào liên quan tại Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đề nghị quý cá nhân, tổ chức liên hệ với Bộ Y tế để xem mặt hàng này có được coi là trang thiết bị y tế và phải xin giấy phép của Bộ Y tế hay không.
Để có thêm thông tin liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa ghế massage, đề nghị quý cá nhân, tổ chức liên hệ với cơ quan Hải quan để có thông tin cụ thể về mã HS hàng hóa, quy trình thủ tục Hải quan, các bước tiến hành tại cửa khẩu nhập khẩu...
Tịnh Biên phát triển thương mại và dịch vụ.
Với đặc thù chợ biên giới Tịnh Biên được xem là điểm đến thăm quan và mua sắm hàng hoá là chợ giáp biên giữa Viện Nam và Campuchia hàng ngày chợ Tịnh biên nhộn nhịp khách tham quan và giao thương hàng hoá giữa hai nước.
Ngày: 12/08/2016
Chợ Tịnh biên An Giang (Ảnh: ST)
Trong 6 tháng đầu năm 2016, chợ biên giới Tịnh Biên đón khoảng 730.000 lượt khách tham quan và mua sắm (tăng 34% so cùng kỳ) tổng doanh số bán ra đạt khoảng trên 73 tỷ đồng (tăng 21.5%). Tịnh Biên là một trong những chợ lớn An Giang ở khu vực biên giới và là cửa ngõ giao thương giữa các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
Bên cạnh “trung tâm hành hương… núi Cấm”, Tịnh Biên còn có Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên – Phnom Den nối liền Quốc lộ 2, đi thẳng Takeo và Phnom Penh. Từ những lợi thế này, hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của huyện ngày càng phát triển, nổi bật là chợ biên giới Tịnh Biên (thị trấn Tịnh Biên) đã được hình thành gần 15 năm. Vào dịp Tết và lễ hội vía Bà Chúa Xứ hàng năm, chợ biên giới Tịnh Biên đón lượng khách tham quan và người hành hương đến từ mọi miền đất nước, với mong ước đi viếng núi và cúng chùa, thưởng ngoạn vùng đất phía Tây Nam.
Với đặc thù là chợ biên giới, chợ giới Tịnh Biên được xem là “điểm kết nối” quần thể di tích, danh lam, thắng cảnh toàn vùng. Những lúc cao điểm, nhiều loại xe ra vào khu vực chợ biên giới Tịnh Biên, chở khách tham quan, mua sắm, người hành hương và du khách đều cảm thấy bắt mắt. “Sinh hoạt chợ có nhiều tiến bộ, mỗi lần trở lại đều có sự tươi tắn Anh Nguyên Mạnh Toàn lái xe du lịch ở Tp Biên Hoà cho hay. Mùa mưa năm nào cũng vậy tụi tui chở khách du lịch đi viếng núi, cúng chùa, rồi vào đây cảm nhận cảm nhận của tui thấy trật tự mua bán dọc hành lang, ngay các cửa và lối ra vào được sắp xếp ngăn nắp, tạo nên hình ảnh văn minh thương mại. thông thoáng và sạch đẹp.
Khu du lịch hang Chiến sĩ Núi Két
Năm 2014, chợ biên giới Tịnh Biên giao về Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật Tịnh Biên để tăng cường công tác quản lý, điều hành, hoạt động mua bán đi vào chiều sâu “thương mại – dịch vụ và du lịch” theo nhu cầu phát triển toàn huyện. Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó trưởng ban Quản lý chợ biên giới Tịnh Biên, cho biết;
Hàng năm dịp Quốc khánh 2-9 là dịp lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên - Phật thầy Tây An, là những đợt cao điểm trong năm chợ biên giới Tịnh Biên đón khách đông nhất trong năm.
Ông Nguyễn Thanh Sang cho biết thêm được sự chỉ đạo sát sao của các ban ngành của địa phương và được sự đồng tình của bà con tiểu thương, thể hiện qua cách ứng xử trong việc mua bán, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách đến từ mọi miền đất nước hiểu thêm đôi chút về đất nước và con người ở đây.