Tôi dự tính mở cửa hàng buôn bán phân bón. Tôi đã đến bộ phận 1 cửa của tỉnh để làm thủ tục. Về yêu cầu trình độ chuyên môn, cửa hàng, trang thiết bị… tôi đều đáp ứng đủ nhưng yêu cầu hồ sơ về truy xuất nguồn gốc phân bón thì tôi không biết gồm những giấy tờ gì. Tôi đã tìm hiểu các văn bản pháp luật thì không thấy văn bản nào quy định cụ thể. Xin hỏi, hồ sơ truy xuất nguồn gốc phân bón gồm những giấy tờ gì và quy định tại đâu?
Ngày: 09/09/2024
Đối với điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt về hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón đề nghị bà nghiên cứu quy định tại Điều 51 Luật Trồng trọt, Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để chuẩn bị cho phù hợp với từng loại sản phẩm phân bón mà bà sẽ buôn bán.
Về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón được quy định cụ thể tại Điều 15 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 130/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ), cụ thể:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo mẫu số 08 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 84/2019/NĐ-CP.
Bản chụp văn bản chứng nhận đã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên của người trực tiếp buôn bán phân bón theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt.
Các trường hợp áp dụng thuế suất 0%
Công ty tôi nhập hàng hóa trong nước và xuất bán trong khu cách ly của sân bay. Tôi xin hỏi, tiền thuế đầu vào đó bên tôi có được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) không? Khách hàng của công ty tôi là khách lẻ. Mặt hàng bán là nước uống đóng chai, giấy vệ sinh, giấy lau tay, đồ thủ công mỹ nghệ... Hiện số thuế đầu vào khoảng 900 triệu đồng. Vậy, hàng hóa nhập mua của công ty tôi đang chịu thuế đầu vào 8%, 10%, đầu ra là 0% thì số thuế đó có được khấu trừ đầu vào không?
Ngày: 04/09/2024
Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ:
Tại Điều 9 quy định về thuế suất 0%:
"Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại Khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
+ Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
3. Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% gồm:
- Tái bảo hiểm ra nước ngoài; chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn, cấp tín dụng, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài; dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông chiều đi ra nước ngoài (bao gồm cả dịch vụ bưu chính viễn thông cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; cung cấp thẻ cào điện thoại di động đã có mã số, mệnh giá đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào khu phi thuế quan); sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan, trừ các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;".
Tại Điều 14 quy định nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào;
Tại Điều 15 quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào;
Tại Điều 16 quy định điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
Căn cứ Điều 2 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016) quy định hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
"4. Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
a) Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ nội địa thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế GTGT tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.
Đối tượng được hoàn thuế trong một số trường hợp xuất khẩu như sau: Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu, là cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu; đối với gia công chuyển tiếp, là cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với phía nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài, là doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ là cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.
b) Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan".
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp công ty mua hàng hóa trong nước xuất bán trong khu cách ly của sân bay, khách hàng là cá nhân không thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 0% theo quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC và không thuộc trường hợp hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 25/2018/TT-BTC. Công ty được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào nếu đáp ứng điều kiện tại Điều 14, 15, 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Đề nghị ông căn cứ tình hình thực tế, đối chiếu với các văn bản pháp luật về thuế để thực hiện đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị ông cung cấp hồ sơ liên quan đến vướng mắc và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.
Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh qua mạng
Tôi có nhu cầu đăng ký hộ kinh doanh, tuy nhiên tôi không có thông tin trang web đăng ký online hoặc hướng dẫn hiển thị các đăng ký online hộ kinh doanh. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.
Ngày: 04/09/2024
Tại Khoản 1 Điều 5e được bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/4/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp quy định về đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử như sau:
"Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp".
Ngày 1/12/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) có Công văn số 226/ĐKKD-TTHT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về việc triển khai quy trình đăng ký hộ kinh doanh qua mạng điện tử.
Theo đó, Ứng dụng đăng ký hộ kinh doanh trên môi trường điện tử được chính thức triển khai tại địa chỉ http://hokinhdoanh.dkkd.gov.vn.
Trường hợp nào được khấu trừ thuế GTGT đầu vào?
Tôi xin hỏi, công ty X có phát sinh bán hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng thì có được kê khai khấu trừ đối với thuế giá trị gia tăng đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa không chịu thuế hay không?
Ngày: 04/09/2024
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 7 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đã được sửa đổi tại Khoản 9 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC) quy định nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:
"Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào
1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.
2. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.
… 7. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này không được khấu trừ, trừ các trường hợp sau:
a) Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh mua vào để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại hướng dẫn tại Khoản 19 Điều 4 Thông tư này được khấu trừ toàn bộ;
b) Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ".
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, trừ các trường hợp nêu tại Điểm a, b Khoản 7 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Trường hợp thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.
Hỏi: Hướng dẫn thực hiện khuyến mại theo hình thức tặng voucher
Chúng tôi dự kiến thực hiện triển khai chương trình khuyến mại tặng 2 voucher, voucher 1 có giá trị 30.000 đồng khi thực hiện thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ trên ứng dụng, voucher 2 giảm 30% tối đa 30.000 đồng khi thực hiện thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ trên ứng dụng. Đối tượng tặng quà gồm: Khách hàng đã có tài khoản sử dụng ứng dụng và không phát sinh giao dịch thanh toán, mua hàng hoá dịch vụ trong 60 ngày liên tục trước ngày nhận quà tặng; Khách hàng không cần thực hiện bất kỳ giao dịch thanh toán, mua hàng trên ứng dụng vào ngày khuyến mại để nhận quà tặng. Xin hỏi, chương trình này chúng tôi sẽ thực hiện thông báo khuyến mại dưới hình thức tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền không kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có đúng không?
Ngày: 26/08/2024
Trong thời gian thực hiện chương trình khuyến mại, Tổng Công ty tặng voucher cho khách hàng mà tại thời điểm đó khách hàng không phải thực hiện bất kỳ giao dịch thanh toán, mua hàng trên ứng dụng thì chương trình khuyến mại này thuộc hình thức "Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền không kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ" quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Khi thực hiện chương trình khuyến mại nêu trên, Tổng Công ty phải tuân thủ quy định tại Điều 17 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Hỏi: Có phải xin cấp lại giấy phép kinh doanh rượu?
Doanh nghiệp tôi đã được Sở Công Thương cấp giấy phép bán buôn rượu và Phòng Kinh tế thuộc UBND quận cấp giấy phép bán lẻ rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ trước ngày Nghị định số 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Tôi xin hỏi, doanh nghiệp của tôi có được tiếp tục sử dụng giấy phép (vẫn còn thời hạn) nêu trên để kinh doanh rượu không, hay phải tiến hành đăng ký lại theo quy định tại Khoản 2 Điều 31c Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ?
Ngày: 26/08/2024
Theo Khoản 1 Điều 39 Chương V Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu quy định: "Thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu đã được cấp giấy phép mà vẫn còn thời hạn, được tiếp tục hoạt động theo nội dung ghi trong giấy phép đã cấp. Trường hợp thương nhân có nhu cầu sửa đổi, bổ sung giấy phép thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định này".
Như vậy, doanh nghiệp của ông/bà đã được Sở Công Thương cấp giấy phép bán buôn rượu và Phòng Kinh tế thuộc UBND quận cấp giấy phép bán lẻ rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ trước ngày Nghị định số 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực vẫn tiếp tục được sử dụng giấy phép còn thời hạn để kinh doanh rượu.
Trường hợp doanh nghiệp của ông Hiếu có nhu cầu sửa đổi, bổ sung giấy phép thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Hỏi: Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa khuyến mại là bao nhiêu?
Công ty chúng tôi chuyên sản xuất mỹ phẩm, kinh doanh trên nhiều kênh (kênh truyền thống, kênh siêu thị...) và có bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như shopee, lazada... Công ty có đăng ký nhiều mã ngành nghề trong đó có mã ngành nghề kinh doanh bán hàng online (gồm mã ngành 4791 - Bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet và mã ngành 4799 - Bán lẻ hình thức khác). Theo Công ty tham khảo Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định: ’Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại khi khuyến mại theo các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại và các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 14 Nghị định này: a) Thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại quy định tại Khoản 1 Điều này có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng; b) Thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến.’ Xin hỏi, Công ty chúng tôi có phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại đến Sở Công Thương không? Mức giảm giá có được vượt quá 50% không, bởi có nhiều công ty khi bán hàng online giảm giá lên đến 70%, 80% (không nằm trong đợt khuyến mại tập trung)?
Trả lời
Ngày: 26/08/2024
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, "Thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến" thì không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại đến Sở Công Thương nơi thực hiện hoạt động khuyến mại.
Quy định về sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến được quy định tại Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BCT của Bộ Công Thương ngày 19/11/2021 về Nghị định quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Doanh nghiệp chỉ được thực hiện khuyến mại giảm giá tối đa 100% khi thực hiện khuyến mại theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP hoặc không giới hạn hạn mức khuyến mại theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP.
Hỏi: Loại đất nào được phép xây cửa hàng xăng dầu?
Tôi đang làm hồ sơ thủ tục đề nghị cấp giấy phép môi trường kinh doanh cửa hàng xăng dầu. Cửa hàng của tôi có 3 trụ bơm, tổng kinh phí dự kiến 1 tỷ đồng. Hiện nay, đất của tôi là đất ở nông thôn (tôi thuê lại). Tôi xin hỏi, vậy khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép môi trường có phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ trước hay không? Hiện tôi đang rất băn khoăn vì ở địa phương mỗi huyện thực hiện một cách khác nhau, không thống nhất.
Ngày: 19/08/2024
Sở Công Thương địa phương là cơ quan cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và đã được sửa đổi tại Khoản 18 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).
Đề nghị ông liên hệ Sở Công Thương địa phương (nơi ông có cửa hàng), để được hướng dẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật về cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Đồng thời, tại Điều 153 Luật Đất đai 2013, đất thương mại, dịch vụ gồm:
"Điều 153. Đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp
1. Đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp bao gồm đất để xây dựng các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
2. Việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường.
3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...".
Từ quy định trên, có thể thấy đất dùng để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc nhóm đất thương mại, dịch vụ.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
"Điều 10. Phân loại đất căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
... 2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi 4 nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;
g) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;
h) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
i) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;".
Từ quy định trên có thể cho thấy, đất dùng để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu là đất thương mại, dịch vụ và thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Hỏi: Doanh nghiệp nước ngoài có phải xin giấy phép khi bán lẻ?
Tôi làm việc tại công ty 100% vốn nước ngoài, có giấy phép đầu tư và giấy phép kinh doanh từ tháng 12/2019. Hiện, công ty muốn kinh doanh bán lẻ tại trụ sở và trên các trang thương mại điện tử. Xin hỏi, công ty tôi có cần xin giấy phép bán lẻ không? Giấy phép đầu tư của công ty tôi tại phần mục tiêu hoạt động có ghi như sau: ’Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn và quyền phân phối bán lẻ các hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, và danh mục hàng hóa không được phân phối theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc không thuộc diện hạn chế theo cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên’.
Trả lời
Ngày: 19/08/2024
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: "Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ".
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ: "Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để lập cơ sở bán lẻ".
Theo các quy định trên, để thực hiện hoạt động bán lẻ tại trụ sở, công ty cần thực hiện thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho địa điểm là trụ sở này.
Hỏi: Công trình đấu nối vào lưới điện cần đáp ứng điều kiện gì?
Hiện nay một số công trình điện trên địa bàn tỉnh trước khi đấu nối phải có thỏa thuận đấu nối với Công ty điện lực, trong đó có yêu cầu chủ đầu tư phải áp dụng một số vật tư, vật liệu, thiết bị đưa vào phải áp dụng theo bộ tiêu chuẩn cơ sở do Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành. Tôi xin hỏi, Công ty Điện lực yêu cầu như vậy có đúng quy định không? Nếu áp dụng theo Bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) thì công trình có được đấu nối vào lưới điện quốc gia không?
Ngày: 19/08/2024
Đối với công trình đầu tư theo Luật Xây dựng, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn nước ngoài (TCNN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), trong đó đối với công trình điện có Quy phạm trang bị điện 11 TCN-18-2006 do Bộ Công Thương ban hành đều thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Căn cứ Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ Xây dựng quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng.
Theo đó, tiêu chuẩn (bao gồm: TCVN; TCNN; TCCS) được áp dụng trong hoạt động xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện ngoại trừ các tiêu chuẩn được trích dẫn trong quy chuẩn hoặc văn bản quy phạm pháp luật.
Các công trình đầu tư theo Luật Xây dựng, được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, theo đó việc áp dụng tiêu chuẩn bảo đảm phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng, là cơ sở để người quyết định đầu tư triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm áp dụng.
Như vậy tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với công trình là căn cứ để chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công việc/hạng mục/công trình hoàn thành và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình trước khi đưa vào sử dụng theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và các quy định hiện hành liên quan.
Đối với công trình điện, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư thì công trình được đóng điện vào lưới điện quốc gia.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đơn vị quản lý các hệ thống lưới điện phân phối có thể căn cứ các tiêu chuẩn, quy phạm, quy chuẩn hiện hành theo quy định để xây dựng một bộ tiêu chuẩn cơ sở riêng cho việc thực hiện thiết kế đối với công trình xây dựng do EVN đầu tư hoặc để đánh giá đối với các thiết kế công trình xây dựng do chủ đầu tư khác xây dựng khi có đấu nối đến hệ thống lưới điện do EVN sở hữu và quản lý, bảo đảm hệ thống điện đồng bộ, vận hành an toàn, tin cậy và kinh tế.
Hỏi: Cách tính mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại
Điều 301 Luật Thương mại quy định: ’Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này’. Tôi xin hỏi, 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm có phải là hợp đồng gồm 2 phần: phần không vi phạm và phần vi phạm? Hay có thể tính từng phần riêng lẻ và xét không quá 8% của từng phần riêng lẻ đó? Ví dụ: Hợp đồng gồm cấp 10 máy in x 10 triệu đồng/máy và 10 máy tính x 20 triệu đồng/máy. Hợp đồng quy định nhà thầu cấp hàng chậm sẽ bị phạt 1% cho 1 ngày cấp hàng chậm cho đến mức 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Nhà thầu cấp hàng 5 máy in chậm 5 ngày; 5 máy tính chậm 100 ngày. Tính phạt trong trường hợp này như sau: Giá trị hợp đồng phần bị vi phạm là: 5 máy in x 10 triệu đồng + 5 máy tính x 20 triệu đồng = 150 triệu đồng; 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm là 150 triệu đồng x 8% = 12 triệu đồng; Số tiền phạt tính theo ngày chậm: 5 máy in x 10 triệu đồng x 5 ngày x 1% + 5 máy tính x 20 triệu đồng x 100 ngày x 1% = 102,5 triệu đồng. Vậy, số tiền phạt sẽ tính là 8% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm = 12 triệu đồng có đúng không?
Ngày: 06/08/2024
Luật Thương mại đề cao nguyên tắc tự do, tự thỏa thuận trong hoạt động thương mại, trong đó bao gồm việc thỏa thuận về mức phạt vi phạm và phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Mức 8% là mức phạt tối đa mà Nhà nước đặt ra để bảo đảm tối ưu quyền lợi hợp pháp của các bên.
Do vậy, quyền thỏa thuận vẫn được trao cho các bên đối với mức phạt giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm nhưng không quá 8%.
Hỏi: Hàng hóa nào phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu?
Công ty tôi nhập khẩu các mặt hàng cần kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hoá nhóm 2 tại khu vực TPHCM theo Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 6/4/2021. Mặt hàng là bộ phân chia và khuếch đại 9go62m 4 dây điện, 2 cuộn cáp tivi (250 m/cuộn), 2 cái khuếch đại, 50 cái đầu kết nối RF, 50 cái đầu kết nối F, hiệu EBY/LIX/Mwshine, model: SP-03/MW-BLE-M22, hàng mới 100% (HS code: 85371099). Xin hỏi, công ty tôi phải làm thủ tục thế nào và ở đâu?
Ngày: 06/08/2024
Từ ngày 15/2/2024, Thông tư số 41/2023/TT-BCT quy định danh mục, sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương có hiệu lực, đã bãi bỏ một số hàng hóa liên quan đến thiết bị điện phòng nổ (HS code: 85371099) trước đây phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 6/4/2021, do đó các hàng hóa có mã HS nêu trên sẽ không phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2.
Công ty cần chủ động rà soát tên danh mục hàng hóa trước khi nhập khẩu, nếu hàng hóa không thuộc danh mục theo quy định tại Thông tư số 41/2023/TT-BCT thì không phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Hỏi: Điều kiện cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Tôi xin hỏi, dự án đầu tư đã chấm dứt hoạt động nhưng tổ chức kinh tế thực hiện dự án tiếp tục hoạt động và không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp thì xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như thế nào?
Ngày: 06/08/2024
Điều 41 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư chỉ quy định việc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp bị mất hoặc bị hỏng, không quy định việc cấp lại trong trường hợp dự án đã bị chấm dứt hoạt động.
Do đó, trong trường hợp nhà đầu tư có đề xuất dự án, đề nghị nghiên cứu các quy định về cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Luật Đầu tư, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Hỏi: Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh qua mạng
Tôi có nhu cầu đăng ký hộ kinh doanh, tuy nhiên tôi không có thông tin trang web đăng ký online hoặc hướng dẫn hiển thị các đăng ký online hộ kinh doanh. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.
Ngày: 06/08/2024
Tại Khoản 1 Điều 5e được bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/4/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp quy định về đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử như sau:
"Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp".
Ngày 1/12/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) có Công văn số 226/ĐKKD-TTHT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về việc triển khai quy trình đăng ký hộ kinh doanh qua mạng điện tử.
Theo đó, Ứng dụng đăng ký hộ kinh doanh trên môi trường điện tử được chính thức triển khai tại địa chỉ http://hokinhdoanh.dkkd.gov.vn.
Hỏi: Kinh doanh hoạt động thể thao có cần giấy phép?
Tôi xin hỏi, các dịch vụ thể thao phục vụ khách lưu trú du lịch tại các khách sạn bao gồm: hồ bơi, thể hình,... thì có cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao không? Theo Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, danh mục thể thao mạo hiểm, thì có 9 môn thể thao trong danh mục. Xin hỏi, doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể thao không nằm trong danh mục bắt buộc phải có người hướng dẫn (ví dụ: bóng đá, bida, gym....) thì khi nộp hồ sơ có bắt buộc phải có Giấy chứng nhận chuyên môn của người hướng dẫn không? Nếu là hộ kinh doanh cá thể khi kinh doanh hoạt động thể thao (không nằm trong danh mục các môn thể thao mạo hiểm phải lên doanh nghiệp) như: yoga, thể hình, bida... thì có cần thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao không, hay chỉ cần đáp ứng các điều kiện theo Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL là được?
Ngày: 06/08/2024
Theo quy định của Luật Thể dục, thể thao và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019, các doanh nghiệp khi thực hiện kinh doanh hoạt động thể thao phải có có cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. Trường hợp khách sạn có tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao thì phải đáp ứng các quy định trên.
Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bao gồm: có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động; có cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động thể thao.
Do vậy, doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể thao không nằm trong danh mục bắt buộc phải có người hướng dẫn, ví dụ: bóng đá, bida, gym...., thì khi nộp hồ sơ đề nghị phải có Giấy chứng nhận chuyên môn của người hướng dẫn tập luyện thể thao phù hợp với hoạt động kinh doanh. Tiêu chuẩn của người hướng dẫn tập luyện thể thao được thực hiện theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP.
Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, danh mục thể thao mạo hiểm, quy định 9 môn thể thao (trong danh mục). Đối với những hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện theo quy định của Luật Thể dục, thể thao và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP.
Hộ kinh doanh cá thể khi kinh doanh hoạt động thể thao thì không cần thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao.