Hỏi: Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án
Đối với dự án được thực hiện theo Điểm b Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, trường hợp dự án chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Vậy, trường hợp này, sau khi hoàn thành thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có được đề xuất thành lập tổ chức kinh tế trong quá trình đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không? Đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có được đề xuất thành lập tổ chức kinh tế trong quá trình đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không? Thời điểm đề xuất tổ chức kinh tế dự kiến thành lập theo mẫu A.I.6 ban hành kèm theo Thông tư số 25/2023/TT-BKHĐT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư được thực hiện khi nào?
Ngày: 02/12/2024
Theo Khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư quy định: "Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh".
Tại Điểm 2 Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư quy định: "Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế".
Theo Khoản 7 Điều 52 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2024 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư:
"Trường hợp thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư và tổ chức kinh tế đó phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này. Tổ chức kinh tế do nhà đầu tư thành lập được kế thừa quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư đó. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Khoản 5 hoặc 6 Điều này".
Khoản 2 Điều 53 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất quy định:
"Nhà đầu tư được chấp thuận trực tiếp thực hiện dự án hoặc thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, giải thể tổ chức kinh tế do nhà đầu tư được chấp thuận thành lập để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực".
Đề nghị nghiên cứu các quy định nêu trên và quy định có liên quan để áp dụng đối với từng dự án cụ thể.
Hỏi: Tổ chức chương trình ưu đãi, hạch toán doanh thu thế nào?
Công ty tôi cung cấp dịch vụ cho khách hàng và thu phí duy trì dịch vụ hằng năm. Đồng thời, công ty cũng thu phí theo từng giao dịch mà khách hàng thực hiện. Công ty tôi tổ chức chương trình ưu đãi cho khách hàng như sau: - Miễn phí duy trì dịch vụ năm đầu với khách hàng lần đầu đăng ký sử dụng và phát sinh số lượng giao dịch đạt mức tối thiểu nhất định; thời hạn 3 tháng (tháng 5-7); - Thể lệ của chương trình quy định Công ty vẫn thu phí duy trì dịch vụ khi khách hàng đăng ký sử dụng và sẽ hoàn lại 100% cho khách hàng đáp ứng điều kiện miễn phí (thực hiện khi tổng kết chương trình vào tháng 8). Theo đó, khi thu tiền phí duy trì dịch vụ thì hạch toán khoản phải trả khách hàng, chỉ khi tổng kết chương trình mới ghi nhận doanh thu đối với khách hàng không đáp ứng điều kiện miễn phí hoặc khi thu tiền phí duy trì dịch vụ thì hạch toán doanh thu bình thường, khi tổng kết chương trình thì xác định số tiền miễn phí là chiết khấu thương mại, hạch toán giảm doanh thu theo Điểm b Khoản 1 Điều 81 Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Tôi xin hỏi, trường hợp này hạch toán như thế nào?
Ngày: 02/12/2024
Theo nội dung mô tả, chương trình của doanh nghiệp là vẫn thu phí duy trì dịch vụ khi khách hàng đăng kí sử dụng và thu phí theo từng giao dịch mà khách hàng thực hiện, nếu khách hàng đáp ứng điều kiện phát sinh số lượng giao dịch tối thiểu nhất định trong thời hạn 3 tháng (tháng 5 – tháng 7) thì khách hàng sẽ được miễn phí duy trì dịch vụ năm đầu bằng cách doanh nghiệp chi trả lại 100% phí dịch vụ năm đầu đã thu cho khách hàng.
Vì vậy, doanh nghiệp hạch toán theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 1 Điều 81 Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Dự án điện mặt trời trên đất nông nghiệp
Hiện nay, tại một số tỉnh, các chủ đầu tư làm dự án điện mặt trời áp mái theo cụm 5 x 1 MW hoặc 10 x 1 MW trên các diện tích đất chưa được chuyển đổi (đất trồng cây lâu năm, hằng năm) hoặc đất đã được quy hoạch để xây dựng trụ sở ủy ban… Theo tôi hiểu, các công trình xây dựng trên đất như vậy là để hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, đến ngày 31/12/2020 các dự án đóng điện sẽ được hưởng giá FIT 8.38 cent. Tôi xin hỏi, nếu kiểm tra, xác định các công trình đang tồn tại trên đất chưa chuyển đổi trước ngày 31/12/2020 mà vẫn được ghi nhận sản lượng và trả tiền bán điện thì có đúng không?
Ngày: 02/12/2024
Theo tài liệu, báo cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan, nhận thấy đối với phát triển dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp thường có hai chủ thể gồm chủ trang trại và chủ dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Theo đó, việc các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm về đất đai sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về điện lực sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về điện lực.
Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà trong lĩnh vực điện lực được quy định tại Luật Điện lực, các Nghị định cùa Chính phủ hướng dẫn Luật Điện lực, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 cùa Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Việc xử lý vi phạm cần căn cứ theo quy định của pháp luật về: trình tự, thẩm quyền, hành vi, thời hiệu, thời hạn vi phạm…
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ kiểm tra chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra.
Hỏi: Thiết bị nào phải kiểm định kỹ thuật an toàn?
Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH về ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định, pa lăng điện, pa lăng kéo tay có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên nằm trong danh mục yêu cầu phải kiểm định. Theo QCVN 13: 2013/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với pa lăng điện thì Quy chuẩn này áp dụng cho pa lăng điện thông dụng cố định và di động dùng cáp hoặc xích được sử dụng như một cơ cấu nâng hạ độc lập hoặc cơ cấu nâng hàng di chuyển theo một phương nhất định có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên. Tôi xin hỏi, đối với pa lăng điện tải trọng nâng dưới 1.000 kg có yêu cầu phải kiểm định không, nếu có thì sẽ kiểm định căn cứ theo quy trình, quy chuẩn nào?
Ngày: 18/11/2024
Các pa lăng điện có tải trọng nâng dưới 1.000 kg là thiết bị thuộc Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vì vậy, các pa lăng điện nêu trên phải thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn theo QTKĐ: 09- 2016/BLĐTBXH Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị nâng kiểu cầu (cầu trục, cổng trục, bán cổng trục, pa lăng điện) ban hành kèm theo Thông tư số 54/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi đưa vào sử dụng theo quy định.
Hỏi: Quy chuẩn an toàn trong bảo dưỡng, sửa chữa công trình điện gió
Tôi làm việc tại trang trại điện gió, công việc chủ yếu là bảo dưỡng, sữa chữa các hư hỏng trên cánh quạt bằng hình thức leo dây tiếp cận, hoặc dùng sàn thao tác, công việc chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết. Tôi tham khảo QCVN 18:2021/BXD, trong đó Mục 2.1.11.2 (a) có nêu, cấm người làm việc trong điều kiện thời tiết có áp thấp nhiệt đới, bão hoặc gió mạnh ứng với cấp gió từ cấp 5 trở lên. Tại Mục 1.1.2.1(b) thì phạm vi điều chỉnh của bộ quy chuẩn này liệt kê các công trình như, trụ, tháp, cột... Tôi xin hỏi, đối với hoạt động làm việc trên cao tại các trang trại, tuabine điện gió để bảo dưỡng, sửa chữa, trang thiết bị có phải tuân theo bộ quy chuẩn quốc gia trên không?
Ngày: 18/11/2024
Theo nội dung trình bày trong câu hỏi thì công việc của ông Lê Trung Lộc là làm việc trên cao tại trang trại, tuabine điện gió để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lắp đặt vào công trình (bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng trên cánh quạt tuabine công trình điện gió).
Trong trường hợp này, theo quy định tại Khoản 38 Điều 2 và Điều 33 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, Mục 1.1 QCVN 18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng thì công việc bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lắp đặt vào công trình nêu trên là công việc bảo trì công trình xây dựng.
Việc thực hiện bảo trì công trình xây dựng phải tuân thủ các điều kiện nhằm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường tại quy trình bảo trì công trình xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt theo quy định pháp luật và các quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, QCVN 18:2021/BXD và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Hỏi: Trường hợp nào phải dịch công chứng nhãn sản phẩm?
Tôi nhập khẩu đào ngâm siro về Việt Nam theo diện OEM, trên nhãn sản phẩm có song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Xin hỏi, có cần dịch công chứng tiếng Anh không? Tên sản phẩm và slogan cũng là ngôn ngữ tiếng Anh thì có cần dịch công chứng không?
Ngày: 18/11/2024
Theo quy định tại Điểm 3 Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì các tài liệu trong hồ sơ tự công bố phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt và được công chứng (sau đây gọi tắt là dịch công chứng).
Trường hợp nhãn gốc sản phẩm có nội dung song ngữ (tiếng Anh - tiếng Việt) bảo đảm toàn bộ nội dung ghi nhãn bằng tiếng Anh đã được thể hiện tương ứng bằng tiếng Việt thì không phải dịch công chứng.
Đối với tên và slogan thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh thì phải dịch công chứng sang tiếng Việt trừ các trường hợp tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa… theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 43/2027/NĐ-CP ngày 14/4/2027 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa.
Hỏi: Chuyển thành công ty liên doanh có phải điều chỉnh chứng nhận đầu tư?
Trường hợp nhà đầu tư trong nước mua lại 55% vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài và đã thực hiện điều chỉnh đăng ký kinh doanh sang công ty liên doanh 55% vốn trong nước và 45% vốn nước ngoài. Cho tôi hỏi, Giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp này còn có hiệu lực không? Công ty sau khi được nhà đầu tư trong nước mua lại có phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, hay điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư không?
Ngày: 15/11/2024
Theo Khoản 2 Điều 41 Luật Đầu tư quy định: "Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư".
Do đó, trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đề nghị nghiên cứu quy định nêu trên.
Hỏi: Cơ quan nào đề nghị thu hồi giấy đăng ký hộ kinh doanh?
Tôi xin hỏi, những cơ quan nào có thẩm quyền ban hành văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật?
Ngày: 12/11/2024
Tại Khoản 7 Điều 93 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định:
"Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 3 Điều này".
Căn cứ quy định trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Tại Điểm c Khoản 1 Điều 93 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định một trong các trường hợp hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh: "Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật".
Căn cứ Điểm g Khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế quy định một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế là: "Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề".
Hỏi: Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Tôi là kế toán công ty trách nhiệm hữu hạn. Nay, công ty tôi muốn thay đổi người đại diện theo pháp luật. Xin hỏi, công ty tôi thay đổi thành vừa là người sở hữu công ty, vừa là người đại diện theo pháp luật thì cần những giấy tờ gì?
Ngày: 12/11/2024
Theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật mới;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (hoặc nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Hỏi: Cách xác định doanh nghiệp có vốn nước ngoài
Tôi xin hỏi, doanh nghiệp mới thành lập có được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay không? Việc góp vốn vào doanh nghiệp mới có được góp vốn bằng ngoại tệ và có cần phải thông qua tài khoản vốn đầu tư hay không? Việc góp vốn được thực hiện theo quy định pháp luật nào?
Ngày: 04/11/2024
Theo quy định tại Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư: "Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông".
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 23 quy định về việc thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, theo đó:
"Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại Điểm a Khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại Điểm a Khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ".
Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định về thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định nêu trên.
Do bà chưa nêu rõ về tình huống góp vốn, do vậy, đề nghị bà nghiên cứu quy định về đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Luật Đầu tư.
Hỏi: Giảm vốn điều lệ khi hoàn trả một phần vốn góp
Tôi xin hỏi, công ty TNHH MTV có được giảm vốn điều lệ để ’hoàn trả’ một phần vốn cho chủ sở hữu (mà không thực hiện chuyển nhượng vốn điều lệ) khi đã đáp ứng 2 điều kiện ’hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp’ và ’bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu’ không?
Ngày: 04/11/2024
Tại Khoản 5 Điều 77 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
"Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu công ty và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty".
Luật Doanh nghiệp không quy định việc chủ sở hữu công ty rút một phần hoặc toàn bộ vốn góp (bằng chuyển nhượng hoặc hình thức khác) làm giảm vốn điều lệ công ty.
Tại Điểm a Khoản 3 Điều 87 Luật Doanh nghiệp quy định:
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
a) Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;"
Theo quy định này, việc công ty hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty sẽ dẫn tới giảm vốn điều lệ. Luật Doanh nghiệp không quy định về việc công ty hoàn trả vốn góp cho chủ sở hữu sau khi chủ sở hữu rút một phần vốn góp ra khỏi công ty.
Hỏi: Thực phẩm nào phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo?
Tôi xin hỏi, các thực phẩm không thuộc Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (cụ thể là bia) thì có phải đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo theo Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP không?
Ngày: 04/11/2024
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo bao gồm:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo.
Vậy nếu tổ chức, cá nhân quảng cáo các sản phẩm thực phẩm không thuộc các nhóm được quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì không cần đăng ký nội dung trước khi quảng cáo. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân khi quảng cáo các sản phẩm này vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quảng cáo hiện hành (Luật Quảng cáo, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP)…
Hỏi: Thay đổi người đại diện Công ty TNHH một thành viên thế nào?
Tôi xin hỏi, đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật đối với công ty TNHH một thành viên (Giám đốc) cần các thủ tục gì?
Ngày: 28/10/2024
Căn cứ Điều 50 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, đối với công ty TNHH một thành viên, thành phần hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật bao gồm:
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật mới;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên.
Trường hợp người nộp hồ sơ không phải là người có thẩm quyền ký giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, căn cứ Điều 12 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, kèm theo hồ sơ nêu trên phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao (theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020) giấy tờ pháp lý cá nhân của người được ủy quyền.
Hỏi: Đối tượng, hình thức hưởng ưu đãi đầu tư
Tôi xin hỏi, hộ gia đình, cá nhân (có giấy đăng ký kinh doanh) thuê đất diện tích nhỏ hơn 0,5 ha, sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ; đầu tư lĩnh vực ngành, nghề ưu đãi đầu tư; thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Điều 15, Điều 16 Luật Đầu tư năm 2014 và Mục 8 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP được hưởng ưu đãi đầu tư có đúng không? Trường hợp nêu trên có phải nộp hồ sơ theo Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014 để Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014 không? Hộ gia đình, cá nhân căn cứ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư có đúng không? Tùy thuộc tính chất, quy mô và điều kiện của từng dự án, hộ gia đình, cá nhân đề nghị UBND huyện (trong đơn xin thuê đất) thực hiện dự án theo Điểm c Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP có được không?
Ngày: 28/10/2024
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Tại Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, theo đó, đối tượng, hình thức ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư, Điều 19 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Điều 17 Luật Đầu tư quy định: "Căn cứ đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Luật này, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có), quy định khác của pháp luật có liên quan, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư".
Tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định:
"2. Căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
3. Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư quy định tại Khoản 5 Điều 19 Nghị định này gồm:
a) Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
b) Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
c) Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao;
d) Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
đ) Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều này, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 của Nghị định này, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi".
Do đó, đề nghị ông nghiên cứu việc ưu đãi đầu tư theo các quy định nêu trên. Quy định về ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư 20141; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư cũng tương đồng với các quy định nêu trên.
Do vậy, đề nghị ông nghiên cứu áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành có hiệu lực tại thời điểm thực hiện dự án và các quy định chuyển tiếp tại Luật Đầu tư 2020.
Đối với nội dung từng dự án cụ thể, đề nghị ông trao đổi, liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định.
Hỏi: Thực phẩm nào phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo?
Tôi xin hỏi, các thực phẩm không thuộc Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (cụ thể là bia) thì có phải đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo theo Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP không?
Ngày: 28/10/2024
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo bao gồm:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo.
Vậy nếu tổ chức, cá nhân quảng cáo các sản phẩm thực phẩm không thuộc các nhóm được quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì không cần đăng ký nội dung trước khi quảng cáo. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân khi quảng cáo các sản phẩm này vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quảng cáo hiện hành (Luật Quảng cáo, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP)…