Tôi dự tính mở cửa hàng buôn bán phân bón. Tôi đã đến bộ phận 1 cửa của tỉnh để làm thủ tục. Về yêu cầu trình độ chuyên môn, cửa hàng, trang thiết bị… tôi đều đáp ứng đủ nhưng yêu cầu hồ sơ về truy xuất nguồn gốc phân bón thì tôi không biết gồm những giấy tờ gì. Tôi đã tìm hiểu các văn bản pháp luật thì không thấy văn bản nào quy định cụ thể. Xin hỏi, hồ sơ truy xuất nguồn gốc phân bón gồm những giấy tờ gì và quy định tại đâu?
Ngày: 09/09/2024
Đối với điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt về hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón đề nghị bà nghiên cứu quy định tại Điều 51 Luật Trồng trọt, Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để chuẩn bị cho phù hợp với từng loại sản phẩm phân bón mà bà sẽ buôn bán.
Về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón được quy định cụ thể tại Điều 15 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 130/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ), cụ thể:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo mẫu số 08 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 84/2019/NĐ-CP.
Bản chụp văn bản chứng nhận đã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên của người trực tiếp buôn bán phân bón theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt.
Hỏi: Có phải xin cấp lại giấy phép kinh doanh rượu?
Doanh nghiệp tôi đã được Sở Công Thương cấp giấy phép bán buôn rượu và Phòng Kinh tế thuộc UBND quận cấp giấy phép bán lẻ rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ trước ngày Nghị định số 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Tôi xin hỏi, doanh nghiệp của tôi có được tiếp tục sử dụng giấy phép (vẫn còn thời hạn) nêu trên để kinh doanh rượu không, hay phải tiến hành đăng ký lại theo quy định tại Khoản 2 Điều 31c Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ?
Ngày: 26/08/2024
Theo Khoản 1 Điều 39 Chương V Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu quy định: "Thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu đã được cấp giấy phép mà vẫn còn thời hạn, được tiếp tục hoạt động theo nội dung ghi trong giấy phép đã cấp. Trường hợp thương nhân có nhu cầu sửa đổi, bổ sung giấy phép thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định này".
Như vậy, doanh nghiệp của ông/bà đã được Sở Công Thương cấp giấy phép bán buôn rượu và Phòng Kinh tế thuộc UBND quận cấp giấy phép bán lẻ rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ trước ngày Nghị định số 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực vẫn tiếp tục được sử dụng giấy phép còn thời hạn để kinh doanh rượu.
Trường hợp doanh nghiệp của ông Hiếu có nhu cầu sửa đổi, bổ sung giấy phép thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Hỏi: Loại đất nào được phép xây cửa hàng xăng dầu?
Tôi đang làm hồ sơ thủ tục đề nghị cấp giấy phép môi trường kinh doanh cửa hàng xăng dầu. Cửa hàng của tôi có 3 trụ bơm, tổng kinh phí dự kiến 1 tỷ đồng. Hiện nay, đất của tôi là đất ở nông thôn (tôi thuê lại). Tôi xin hỏi, vậy khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép môi trường có phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ trước hay không? Hiện tôi đang rất băn khoăn vì ở địa phương mỗi huyện thực hiện một cách khác nhau, không thống nhất.
Ngày: 19/08/2024
Sở Công Thương địa phương là cơ quan cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và đã được sửa đổi tại Khoản 18 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).
Đề nghị ông liên hệ Sở Công Thương địa phương (nơi ông có cửa hàng), để được hướng dẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật về cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Đồng thời, tại Điều 153 Luật Đất đai 2013, đất thương mại, dịch vụ gồm:
"Điều 153. Đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp
1. Đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp bao gồm đất để xây dựng các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
2. Việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường.
3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...".
Từ quy định trên, có thể thấy đất dùng để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc nhóm đất thương mại, dịch vụ.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
"Điều 10. Phân loại đất căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
... 2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi 4 nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;
g) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;
h) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
i) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;".
Từ quy định trên có thể cho thấy, đất dùng để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu là đất thương mại, dịch vụ và thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Hỏi: Doanh nghiệp nước ngoài có phải xin giấy phép khi bán lẻ?
Tôi làm việc tại công ty 100% vốn nước ngoài, có giấy phép đầu tư và giấy phép kinh doanh từ tháng 12/2019. Hiện, công ty muốn kinh doanh bán lẻ tại trụ sở và trên các trang thương mại điện tử. Xin hỏi, công ty tôi có cần xin giấy phép bán lẻ không? Giấy phép đầu tư của công ty tôi tại phần mục tiêu hoạt động có ghi như sau: ’Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn và quyền phân phối bán lẻ các hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, và danh mục hàng hóa không được phân phối theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc không thuộc diện hạn chế theo cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên’.
Trả lời
Ngày: 19/08/2024
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: "Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ".
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ: "Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để lập cơ sở bán lẻ".
Theo các quy định trên, để thực hiện hoạt động bán lẻ tại trụ sở, công ty cần thực hiện thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho địa điểm là trụ sở này.
Hỏi: Hàng hóa nào phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu?
Công ty tôi nhập khẩu các mặt hàng cần kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hoá nhóm 2 tại khu vực TPHCM theo Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 6/4/2021. Mặt hàng là bộ phân chia và khuếch đại 9go62m 4 dây điện, 2 cuộn cáp tivi (250 m/cuộn), 2 cái khuếch đại, 50 cái đầu kết nối RF, 50 cái đầu kết nối F, hiệu EBY/LIX/Mwshine, model: SP-03/MW-BLE-M22, hàng mới 100% (HS code: 85371099). Xin hỏi, công ty tôi phải làm thủ tục thế nào và ở đâu?
Ngày: 06/08/2024
Từ ngày 15/2/2024, Thông tư số 41/2023/TT-BCT quy định danh mục, sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương có hiệu lực, đã bãi bỏ một số hàng hóa liên quan đến thiết bị điện phòng nổ (HS code: 85371099) trước đây phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 6/4/2021, do đó các hàng hóa có mã HS nêu trên sẽ không phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2.
Công ty cần chủ động rà soát tên danh mục hàng hóa trước khi nhập khẩu, nếu hàng hóa không thuộc danh mục theo quy định tại Thông tư số 41/2023/TT-BCT thì không phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Hỏi: Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh qua mạng
Tôi có nhu cầu đăng ký hộ kinh doanh, tuy nhiên tôi không có thông tin trang web đăng ký online hoặc hướng dẫn hiển thị các đăng ký online hộ kinh doanh. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.
Ngày: 06/08/2024
Tại Khoản 1 Điều 5e được bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/4/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp quy định về đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử như sau:
"Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp".
Ngày 1/12/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) có Công văn số 226/ĐKKD-TTHT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về việc triển khai quy trình đăng ký hộ kinh doanh qua mạng điện tử.
Theo đó, Ứng dụng đăng ký hộ kinh doanh trên môi trường điện tử được chính thức triển khai tại địa chỉ http://hokinhdoanh.dkkd.gov.vn.
Hỏi: Kinh doanh hoạt động thể thao có cần giấy phép?
Tôi xin hỏi, các dịch vụ thể thao phục vụ khách lưu trú du lịch tại các khách sạn bao gồm: hồ bơi, thể hình,... thì có cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao không? Theo Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, danh mục thể thao mạo hiểm, thì có 9 môn thể thao trong danh mục. Xin hỏi, doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể thao không nằm trong danh mục bắt buộc phải có người hướng dẫn (ví dụ: bóng đá, bida, gym....) thì khi nộp hồ sơ có bắt buộc phải có Giấy chứng nhận chuyên môn của người hướng dẫn không? Nếu là hộ kinh doanh cá thể khi kinh doanh hoạt động thể thao (không nằm trong danh mục các môn thể thao mạo hiểm phải lên doanh nghiệp) như: yoga, thể hình, bida... thì có cần thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao không, hay chỉ cần đáp ứng các điều kiện theo Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL là được?
Ngày: 06/08/2024
Theo quy định của Luật Thể dục, thể thao và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019, các doanh nghiệp khi thực hiện kinh doanh hoạt động thể thao phải có có cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. Trường hợp khách sạn có tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao thì phải đáp ứng các quy định trên.
Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bao gồm: có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động; có cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động thể thao.
Do vậy, doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể thao không nằm trong danh mục bắt buộc phải có người hướng dẫn, ví dụ: bóng đá, bida, gym...., thì khi nộp hồ sơ đề nghị phải có Giấy chứng nhận chuyên môn của người hướng dẫn tập luyện thể thao phù hợp với hoạt động kinh doanh. Tiêu chuẩn của người hướng dẫn tập luyện thể thao được thực hiện theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP.
Thông tư số 04/2019/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, danh mục thể thao mạo hiểm, quy định 9 môn thể thao (trong danh mục). Đối với những hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện theo quy định của Luật Thể dục, thể thao và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP.
Hộ kinh doanh cá thể khi kinh doanh hoạt động thể thao thì không cần thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao.
Hỏi: Cách xác định chi phí lắp đặt công trình điện
Tôi xin hỏi, thành phần chi phí trực tiếp theo hướng dẫn của Thông tư số 36/2022/TT-BCT ban hành bộ định mức dự toán chuyên ngành lắp đặt đường dây tải điện và lắp đặt trạm biến áp có bao gồm các loại vật tư, thiết bị thuộc đối tượng lắp đặt không?
Ngày: 15/07/2024
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 36/2022/TT-BCT ngày 22/12/2022 phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ.
Định mức dự toán xây dựng kèm theo Thông tư số 36/2022/TT-BCT là cơ sở để lập đơn giá lắp đặt các công trình điện.
Dự toán xây dựng công trình điện thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 4 Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 11/2021/TT-BXD quy định:
"Chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và phương pháp hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư này. Chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng. Chi phí trực tiếp xác định theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết tại Mục I Phụ lục III Thông tư này và một số quy định cụ thể sau:
a) Khối lượng đo bóc, tính toán từ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình;
b) Đơn giá xây dựng chi tiết, giá xây dựng tổng hợp xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục IV Thông tư này".
Trên đây là nội dung hướng dẫn, trả lời của Bộ Công Thương gửi tới ông để nghiên cứu và thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Thông tư số 11/2021/TT-BXD trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình điện.
Hỏi: Quy định về dịch công chứng nhãn sản phẩm nhập khẩu
Tôi nhập khẩu rượu vang Hungary, tuy nhiên, các phòng công chứng tư nhân không thể công chứng được tiếng Hungary, chỉ phòng Tư pháp mới chứng thực được. Nhưng Ban An toàn thực phẩm TP yêu cầu chỉ chấp nhận công chứng tư nhân, nếu chứng thực tại phòng Tư pháp thì không tiếp nhận hồ sơ. Tôi xin hỏi, trong một nhãn rượu có nhiều ngôn ngữ mà không có phòng công chứng tư nhân nào thực hiện được thì doanh nghiệp làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP? Nếu trên nhãn có 5 thứ tiếng đồng nghĩa thì dịch thuật và công chứng cả 5 thứ tiếng đó, bởi 5 đơn vị công chứng khác nhau hay chỉ dịch thuật và công chứng 1 trong những thứ tiếng đó?
Ngày: 09/07/2024
Theo quy định tại Điểm 3 Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Các tài liệu trong hồ sơ tự công bố phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch tiếng Việt và được công chứng (sau đây gọi tắt là dịch công chứng).
Như vậy, trường hợp nhãn gốc sản phẩm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch công chứng để bảo đảm toàn bộ nội dung ghi nhãn được thể hiện đầy đủ, chính xác, trung thực và phù hợp với quy định về ghi nhãn sản phẩm theo quy định. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Đối với phòng Tư pháp hay phòng Công chứng tư nhân đáp ứng đủ các quy định của pháp luật về dịch và công chứng tiếng nước ngoài thì đều được dịch và công chứng. Đề nghị ông liên hệ với Sở Tư pháp trên địa bàn để có thông tin cụ thể.
Trên nhãn sản phẩm có nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cần thực hiện việc dịch công chứng để bảo đảm nội dung bằng tiếng nước ngoài được dịch tiếng Việt.
Công ty cần thực hiện việc dịch công chứng ngôn ngữ chính thể hiện trên nhãn sản phẩm bảo đảm tất cả các nội dung trên nhãn sản phẩm đã được thể hiện đầy đủ, chính xác bằng tiếng Việt để có căn cứ đối chiếu, xem xét sự phù hợp quy định của nhãn sản phẩm.
Trường hợp nhãn sản phẩm có 5 thứ tiếng đồng nghĩa nhau thể hiện toàn bộ nội dung ghi nhãn sản phẩm thì thực hiện dịch công chứng ngôn ngữ chính sang tiếng Việt.
Hỏi: Đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh thế nào?
Tôi làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức kinh tế có 99% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ sở hữu. Trước đây, công ty tôi đã hoàn tất đăng ký ngành, nghề kinh doanh đối với hoạt động đại lý ô tô như sau: - Tên ngành, nghề kinh doanh: Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; chi tiết: Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 61111); - Mã ngành: 4513. Hiện tại, công ty có nhu cầu bổ sung hoạt động kinh doanh môi giới ô tô loại đã qua sử dụng. Cụ thể, hoạt động kinh doanh thực tế của công ty là trung gian cho các nhà cung cấp, các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp ô tô đã qua sử dụng (nhà cung cấp) và các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua ô tô đã qua sử dụng (khách hàng). Theo đó, công ty giới thiệu khách hàng cho nhà cung cấp tương ứng với yêu cầu của khách hàng và/hoặc ngược lại. Khi các bên giao dịch thành công, công ty sẽ được hưởng hoa hồng cho việc giới thiệu này. Với nhu cầu hoạt động kinh doanh thực tế của công ty như trên và đối chiếu với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, công ty nhận thấy việc đăng ký hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng vào ngành, nghề kinh doanh với mã VSIC 4513 là phù hợp. Do đó, công ty đã thực hiện đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh như sau: - Tên ngành, nghề kinh doanh được sửa đổi chi tiết: Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; chi tiết: Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 61111), hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng; - Mã ngành: 4513. Tuy nhiên, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu công ty sửa đổi, bổ sung hồ sơ như sau: ’Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh chi tiết ngành nghề kinh doanh dự định bổ sung ’Hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng’ vào mã ngành 7490 (Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu) với chi tiết như sau: Chi tiết: Hoạt động môi giới thương mại’. Tôi xin hỏi, với mục tiêu hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng đã đề cập trên, thì công ty đăng ký ngành, nghề kinh doanh với mã VSIC nào thì phù hợp?
Ngày: 24/06/2024
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Do vậy, trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc về việc xác định ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, giải đáp.
Trường hợp ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Hỏi: Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ có yếu tố ’tốt nhất’ cần giấy tờ gì?
Điều 2 Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 6/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP có hướng dẫn về tài liệu hợp pháp khi quảng cáo sản phẩm ’số một’ như sau: ’Điều 2. Tài liệu hợp pháp 1. Tài liệu hợp pháp quy định tại Khoản 11 Điều 8 của Luật Quảng cáo bao gồm: a) Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường; b) Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là ’nhất’, ’duy nhất’, ’tốt nhất’, ’số một’ hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự. 2. Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ ’nhất’, ’duy nhất’, ’tốt nhất’, ’số một’ hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường’. Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 497/VHCS-QLHĐQC về việc hướng dẫn nội dung tại Điều 2 thì tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo được quyền lựa chọn một trong hai loại tài liệu để thực hiện quảng cáo. Tôi xin hỏi, hiện nay quan điểm điều chỉnh của Bộ theo Công văn nêu trên vẫn giữ nguyên hay có thay đổi gì không?
Ngày: 24/06/2024
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 6/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tài liệu hợp pháp quy định tại Khoản 11 Điều 8 của Luật Quảng cáo bao gồm:
- Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường;
- Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.
Như vậy, tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ có yếu tố "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự có thể lựa chọn một trong hai tài liệu chứng minh nói trên để thực hiện nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp những dịch vụ nào?
Tôi xin hỏi, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực sửa chữa ô tô, cung cấp, bán buôn, bán lẻ phụ tùng ô tô thì có bị hạn chế và có điều kiện đặc biệt nào không?
Ngày: 24/06/2024
Theo Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO thì việc mở cửa thị trường được xây dựng theo cách tiếp cận "chọn - cho", chỉ cam kết đối với một số ngành, lĩnh vực xác định.
Do vậy, đối với những ngành, lĩnh vực chưa cam kết, đề nghị nghiên cứu nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư.
Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (mục 22) kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định ngành nghề: "Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam".
Hỏi: Điều kiện cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Tôi xin hỏi, dự án đầu tư đã chấm dứt hoạt động nhưng tổ chức kinh tế thực hiện dự án tiếp tục hoạt động và không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp thì xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như thế nào?
Ngày: 17/06/2024
Điều 41 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư chỉ quy định việc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp bị mất hoặc bị hỏng, không quy định việc cấp lại trong trường hợp dự án đã bị chấm dứt hoạt động.
Do đó, trong trường hợp nhà đầu tư có đề xuất dự án, đề nghị nghiên cứu các quy định về cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Luật Đầu tư, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Hỏi: Nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp những dịch vụ nào?
Tôi xin hỏi, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực sửa chữa ô tô, cung cấp, bán buôn, bán lẻ phụ tùng ô tô thì có bị hạn chế và có điều kiện đặc biệt nào không?
Ngày: 17/06/2024
Theo Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO thì việc mở cửa thị trường được xây dựng theo cách tiếp cận "chọn - cho", chỉ cam kết đối với một số ngành, lĩnh vực xác định.
Do vậy, đối với những ngành, lĩnh vực chưa cam kết, đề nghị nghiên cứu nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư.
Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (mục 22) kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định ngành nghề: "Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam".
Hỏi: Cơ sở sản xuất mì ăn liền có cần chứng nhận an toàn thực phẩm?
Công ty tôi sản xuất mì ăn liền, áp dụng tiêu chuẩn của Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Tôi xin hỏi, theo Điều 24 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP thì các Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP không bắt buộc áp dụng cho công ty có Giấy chứng nhận HACCP như công ty sản xuất mì ăn liền, mà chỉ áp dụng cho các công ty có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có đúng không? Ngoài ra, các tiêu chuẩn HACCP và ISO, BRC công ty sản xuất mì ăn liền đang áp dụng thường nghiêm ngặt hơn so với các quy định của Luật, Nghị định, Thông tư. Vậy, nếu có bất kỳ nội dung nào trong các tiêu chuẩn HACCP (hoặc ISO, BRC) mà công ty sản xuất mì ăn liền đang áp dụng không quy định, hoặc quy định không rõ ràng như Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP (ví dụ như tách riêng biệt kho nguyên liệu, kho thành phẩm, kho bao bì), thì công ty có bắt buộc phải đáp ứng các quy định tương ứng tại Mục 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Chương VI của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP không?
Ngày: 27/05/2024
Điểm k Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
"Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận:
- Thực hành sản xuất tốt (GMP);
- Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP);
- Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000;
- Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS);
- Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC);
- Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực".
Vì vậy, trong trường hợp đơn vị sản xuất thực phẩm đã có Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) thì thuộc diện không cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, đơn vị phải tuân thủ theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Trong trường hợp đơn vị thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đơn vị thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.