Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Đánh giá (0) :
Các chuyên gia kinh tế từng ví von, nếu thương mại là “đôi chân” đưa nông sản Việt Nam tiến xa trên thị trường thì khoa học công nghệ (KHCN) được xem là “xương sống” để ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị nông sản.


Ảnh: minh hoạ

Điều này cho thấy, KHCN đã trở thành yếu tố then chốt giúp ngành Nông nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay. Tuy nhiên, thực tế ứng dụng KHCN vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó thiếu sự đầu tư trọng tâm và tham gia mờ nhạt của doanh nghiệp.  

Chưa tương xứng với đồng tiền, bát gạo 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào phát triển nông nghiệp; ngoài ra các địa phương cũng chi khoảng 500 đến 600 tỷ đồng/năm cho lĩnh vực nông nghiệp, chiếm khoảng 35% tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động này vẫn chưa xứng với "đồng tiền bát gạo” và còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực. 

Theo đó, tình trạng đầu tư cho KHCN trong nông nghiệp còn dàn trải và nhiều bất cập. Việc sử dụng nguồn lực cho KHCN còn hạn chế, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm. Cơ chế chính  sách chỉ mới tập trung tổ chức nghiên cứu cấp Nhà nước mà thiếu sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân… 

Ví dụ, các nghiên cứu khoa học đang quá tập trung vào nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng khiến giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp bị tụt hậu xa với các nước trong khu vực. Dẫn chứng điều này, ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung nghiên cứu tạo giống lúa mà ít nghiên cứu về kỹ thuật. Trong giống phần lớn tập trung vào lúa năng suất, chưa chú trọng đúng mức yêu cầu về chất lượng, nhất là chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính. Hay như trong 10 năm qua không có đề tài cấp bộ nào nghiên cứu về phân bón vô cơ, trong khi có tới 85 đề tài chọn, tạo giống và 21 đề tài nghiên cứu về bảo vệ thực vật…”. 

Một bất cập nữa là thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu KH&CN với chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là công nghệ cao (CNC). Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, “hiện chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức KHCN, doanh nghiệp (DN) và người sản xuất; giữa các cơ quan quản lý nhà nước của trung ương và địa phương; giữa các lĩnh vực trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng KHCN. Đặc biệt là sự tham gia của các DN còn mờ nhạt, chưa có nhiều DN đăng ký công nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC và chưa có hệ thống dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Số liệu từ Bộ NN&PTNT năm 2014 cho thấy, hiện cả nước có 132 DN được công nhận là DN KHCN, trong đó chỉ có 18 DN nông nghiệp ứng dụng CNC”. 

Đẩy mạnh ứng dụng KHCN là cấp bách, trọng tâm 

Trước những tồn tại nêu trên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng KHCN được xem là nhu cầu cấp bách, là giải pháp trọng tâm để ngành Nông nghiệp ngày càng đổi mới, hiện đại hóa bắt kịp hội nhập. 

Bộ NN &PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thành tựu KH&CN đóng góp 50% GDP ngành Nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 50% trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu vào năm 2020. Đạt được mục tiêu này mới tạo đà vững chắc đưa ngành Nông nghiệp tự tin bước vào hội nhập, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định,. 

Thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng được Bộ tính đến là đẩy mạnh những chính sách thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là các DN vào chuỗi sản xuất nông nghiệp nói chung và vào sự ứng dụng KHCN trong nông nghiệp nhằm tạo ra chuyển biến thực sự, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, xây dựng thương hiệu. 

Ngoài vấn đề khuyến khích thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào ứng dụng chuyển giao KHCN, theo TS Chu Tiến Quang, Viện Quản lý kinh tế Trung ương: “Ngành Nông nghiệp cần tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao KH&CN cho người nông dân. Để làm tốt việc đó, phải gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu KHCN Nhà nước với tư nhân, hợp tác xã, người nông dân”.

Đình Trung


Ý kiến bạn đọc 0 lượt xem, 0 lượt bình luận

{0}
    {1}

Cổng thông tin hỏi đáp và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương.

Bản quyền thuộc về: Sở Công Thương Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 366/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ - T.P Thái Nguyên.
Điện thoại:Văn phòng Sở Công Thương: 0208.3855.255