Tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2016.

Đánh giá (1) :
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Tháng 10 năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015.


BỘ CÔNG THƯƠNG


THÔNG TIN BÁO CHÍ

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI

THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG NĂM 2016

 

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

           I. Về sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Tháng 10 năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 10 tháng năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%,  thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%) chủ yếu do sự sụt giảm của ngành khai khoáng  (giảm 5,5%). Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất phân phối điện có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước lần lượt là 10,7% và 11,8% (cùng kỳ là 10% và 11,5%).

Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, duy trì tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 tăng 2,9% so với tháng 8 và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 9 tháng đầu năm 2016, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,1%).

Tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Tại thời điểm 01/10/2016, chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (thấp hơn 0,9 điểm phần trăm của cùng thời điểm năm 2015).

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều, mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (thấp hơn 2,5 điểm phần trăm). Nguyên nhân sự tăng trưởng chậm lại của sản xuất công nghiệp:  (i) chủ yếu do giá dầu giảm, dẫn đến sản lượng dầu thô khai thác giảm mạnh (10 tháng giảm 9,7%)  (ii) sản xuất than tăng trưởng thấp do gặp nhiều khó khăn trong khai thác và tiêu thụ sản phẩm (10 tháng chỉ tăng 1,2%) (iii) do cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước tăng trưởng chậm lại giá hàng hóa xuất khẩu ở mức thấp không khuyến khích sản xuất (chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng giảm 4,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2015 cho thấy tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp, đây sẽ là yếu tố đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Đánh giá cụ thể ở một số ngành như sau:

1. Đối với ngành điện

Ngành điện tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ, ngành đã nỗ lực đảm bảohệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động văn hoá xã hội, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trong mùa mưa bão. Ngành tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, đảm bảo đưa vào vận hành theo đúng tiến độ đề ra.

Sản lượng điện sản xuất tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, điện sản xuất tháng 10 ước đạt 15,5 tỷ kWh, tăng 13,8% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng ước đạt 146,6 tỷ kWh tăng 11,5% so với cùng kỳ;

2. Đối với ngành than         

Sản xuất kinh doanh của ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn do than trong nước phải cạnh tranh với than nhập khẩu có giá thành thấp, giá bán khoáng sản (alumin, hydrat) giảm sâu và thuế tài nguyên than điều chỉnh tăng thêm 3% từ 01/7/2016 (hầm lò tăng từ 7% lên 10%, lộ thiên tăng từ 9% lên 12%, làm giá thành than năm 2016 tăng khoảng 700 tỷ đồng)... đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Các đơn vị trong ngành đang tiếp tục cố gắng duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Sản lượng than sạch tháng 10 ước đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng đầu năm ước đạt 33,8 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng than sạch của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giảm 4,6% cùng kỳ.

3. Đối với ngành dầu khí

Sản xuất kinh doanh của ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn và chưa thấy dấu hiệu phục hồi, sản lượng dầu thô khai thác tiếp tục giảm do giá dầu thô vẫn duy trì ở mức thấp. Sản lượng dầu thô khai thác tháng 10 ước đạt 1,4 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 10 tháng đầu năm sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 14,4 triệu tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch được giao.

4. Đối với ngành cơ khí

Tháng 10 năm 2016, sản lượng xe máy ước đạt 305,1 nghìn cái, tăng 0,5% so với cùng kỳ; sản lượng ôtô ước đạt 21,1 nghìn cái, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng xe máy ước đạt 2655,1 nghìn cái, tăng 0,3% so với cùng kỳ;sản lượng ô tô ước đạt 192,3 nghìn cái, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với ngành sản xuất xe có động cơ, theo thông lệ thị trường, thời điểm cuối năm lượng tiêu thụ thường tăng, do đó, sản xuất có xu hướng tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

5. Đối với ngành thép

Tháng 10 năm 2016, lượng sắt thép thô ước đạt 468,1 nghìn tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ; lượng thép cán ước đạt 487,8 nghìn tấn, tăng 30,4% so với cùng kỳ; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 397 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2016, lượng sắt thép thô đạt 4196,7 nghìn tấn, tăng 19% so với cùng kỳ; thép cán đạt 4290,8 nghìn tấn, tăng 25,7% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 3907 nghìn tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu thép các loại từ các thị trường trong tháng 10 tăng 15,4% về lượng và 31,3% về trị giá. Tính chung 10 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu thép các loại tăng 23,7% về lượng và 4,9% về trị giá, tuy nhiên nhập khẩu sản phẩm từ thép giảm 27,7% về trị giá.

Sản xuất thép tiếp tục tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ do tận dụng cơ hộiViệt Nam áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép dài và phôi thép nhằm giảm nhập khẩu tạo điều cho các đơn vị sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu xây dựng trong nước tốt nên lượng thép dài sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được mức sản lượng khá cao. Tỷ lệ tăng trưởng mạnh về cả bán hàng và sản xuất các sản phẩm thép trong 10 tháng đầu năm 2016 cho thấy khả năng đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về các sản phẩm thép xây dựng của các doanh nghiệp trong nước, do đó, giá bán sản phẩm thép vẫn được giữ ổn định.

6. Đối với ngành hóa chất, phân bón

Thời gian vừa qua thị trường phân bón trong nước không có nhiều biến động. Giá phân bón các loại và lượng hàng tiêu thụ đều ở mức thấp do các vùng đều chưa đến mùa vụ chăm bón chính.

Thị trường trong nước tiếp tục với diễn biến chậm, nhu cầu tiêu thụ đang ở mức thấp. Ngày 05 tháng 10 năm 2016 thuế nhập khẩu các loại mặt hàng phân bón theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu phân bón tại các khu vực có cảng biển tăng tuy nhiên lượng hàng trong nước hiện vẫn còn khá lớn nên không có biến động mạnh về giá.

Sản lượng một số sản phẩm phân bón: 10 tháng đầu năm 2016, ước sản lượng phân đạm urê đạt 1684,5 nghìn tấn, giảm 10,3% so với cùng kỳ; phân NPK khoảng 1858,7 nghìn tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu phân bón 10 tháng đầu năm 2016giảm 9,1% về số lượng và 21,7% về trị giá.

7. Đối với ngành dệt may, da giày

Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành dệt may, da giày đang gặp nhiều khó khăn do cáckhu vực thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản nhu cầu sụt giảm đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu đơn hàng; một số đơn hàng số lượng lớn, gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia... do vậy sản lượng sản xuất vải, dệt, trang phục, giầy dép và một số mặt hàng khác chỉ tăng nhẹ.

8. Đối với các ngành sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống

Tháng 10 và 10 tháng  năm 2016, sản xuất kinh doanh của ngành cơ bản ổn định. Tính chung10 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng khá. Ngành sản xuất đồ uống tăng 9,6% so với cùng kỳ; ngành thuốc lá tăng 4% so với cùng kỳ; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tiêu thụ còn chưa ổn định, mang tính mùa vụ cao; áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài ngày càng lớn. Đối với ngành bia rượu nước giải khát, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có sự thay đổi cả về thuế suất và cách tính thuế đối với các sản phẩm của ngành; đối với ngành thuốc lá, tình trạng nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp... đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận và hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.

         II. Về xuất nhập khẩu

1. Về xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 năm 2016 ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 9 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 144,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 41,4 tỷ USD, tăng 4,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 102,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.

- Nhóm hàng nông sản, thủy sản: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tháng 10 ước đạt 2,03 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 7,9%, đây là mức tăng trưởng khá nếu so với cùng kỳ năm trước (10 tháng năm 2015 xuất khẩu của nhóm giảm 9,7%).

Lượng xuất khẩu của một số mặt hàng tăng cao, đặc biệt có mặt hàng cà phê và hạt tiêu có lượng tăng trên 35%; chỉ có 2 mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm là gạo (20,6%) và sắn (13,2%) nguyên nhân chủ yếu do một số thị trường xuất khẩu gạo chính của ta sụt giảm.

Nhóm hàng này xuất khẩu không được lợi về giá, do giá nông sản thế giới vẫn ở mức thấp. Giá xuất khẩu bình quân trong 10 tháng của hầu hết các mặt hàng đều giảm tương đối sâu (trừ mặt hàng gạo và nhân điều có giá xuất khẩu tăng nhẹ) đã ảnh hưởng đến tăng KNXK của nhóm.

Mặt hàng thủy sản tăng trưởng 6,5%, là mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 17%), tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó do các rào cản về kỹ thuật khi xuất khẩu sang một số thị trường lớn như  Nhật Bản, Hoa Kỳ... Thời gian qua, Trung Quốc cũng liên tục tăng rào cản đối với nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng không được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu như cá hồi, sắn... nhưng lại tăng mua sản phẩm của các nước khác, khiến xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam ảnh hưởng nhiều.

Do sự biến động về lượng xuất khẩu tăng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng trong 10 tháng hơn 1 tỷ USD, tuy nhiên giá xuất khẩu giảm đã kéo kim ngạch xuất khẩu giảm 530 triệu USD. Bù trừ giữa tăng/giảm giá và lượng thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm 10 tháng tăng 501 triệu USD so với cùng kỳ.

- Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tháng 10 ước đạt 336 triệu USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 11,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Lượng xuất khẩu nhóm hàng này liên tục giảm trong một vài năm trở lại đây, điều này phù hợp với chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô và việc dành lượng dầu thô khai thác để phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước. Việc giảm lượng xuất khẩu song song với giảm giá xuất khẩu đã khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sụt giảm mạnh và chỉ còn đóng góp khoảng 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong 10 tháng đầu năm, mặt hàng than đá và dầu thô lượng và giá xuất khẩu đều giảm mạnh: than đá (lượng giảm 45,3%, giá giảm 47,4%); dầu thô (lượng giảm 22,2%, giá giảm 39,6%). Bên cạnh đó, mặt hàng xăng dầu và quặng, khoáng sản khác dù lượng xuất khẩu tăng cao nhưng do giá xuất khẩu giảm tương đối sâu cũng đã cộng hưởng khiến KNXK của nhóm giảm sâu.

 Sự sụt giảm mạnh của nhóm đã là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm. KNXK nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm xấp xỉ 1 tỉ USD do giá xuất khẩu giảm, giảm 397 triệu USD do lượng xuất khẩu giảm. Tính chung do giảm giá và lượng khiến KNXK của nhóm giảm đến hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ.

- Nhóm hàng công nghiệp chế biến: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tháng 10 ước đạt 12,3 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm này ước đạt 115,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng thấp, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,6%).

Trong nhóm, có 16 mặt hàng có KNXK trên 1 triệu USD, tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chính như dệt may, giày dép, đồ gỗ... có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so cùng kỳ đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm mạnh, nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng giảm, sự cạnh tranh gay gắt của các nước như Campuchia, Lào, Myanmar... Chưa kể đến một số nhóm hàng như: hóa chất, phân bón, sản phẩm chất dẻo, clanhke và xi măng xuất khẩu giảm cả về lượng và giá do cầu nhập khẩu giảm và cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại với Trung Quốc. Hơn nữa, các mặt hàng thuộc nhóm do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất như: máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại các loại xuất khẩu tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, thậm chí có mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như máy ảnh, máy quay phim... đã khiến KNXK của nhóm giảm sâu.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng KNXK 10 tháng đầu năm vào thị trường này đạt 15%, chiếm tỷ trọng 22% tổng KNXK cả nước; Tiếp đến là thị trường EU tăng 7,4% và chiếm tỷ trọng 19% tổng KNXK; Thị trường Trung Quốc tăng 23,9%, chiếm tỷ trọng 12%.  Điều này cho thấy nỗ lực trong các biện pháp giữ vững trọng tâm khai thác các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang tiếp tục phát huy hiệu quả tốt, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Một số thị trường xuất khẩu truyền thống trong khu vực giảm như ASEAN giảm 7,6%, chủ yếu giảm do xuất khẩu dầu thô giảm cả về giá và lượng.

2. Về nhập khẩu

Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2016 ước đạt 15,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 13,4% so với tháng 10 năm 2015.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 140,5 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 2,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 83,2 tỷ USD, tăng 1,9%.

- Nhóm hàng cần nhập khẩu: 10 tháng năm 2016 tăng 1,9%, nhập khẩu của một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho gia công xuất khẩu có lượng nhập khẩu tăng dần, do các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu tiến hành nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chuẩn bị cho các đơn hàng của năm sau. Điều này lý giải cho việc kim ngạch xuất khẩu có mức tăng không đáng kể nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng hơn so với các tháng trước.

- Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu: có mức tăng trưởng tương đối cao, lần lượt là 14,3% và 10,6%, trong đó tăng cao ở nhóm hàng tiêu dùng rau quả (46,4%), bánh kẹo sản phẩm ngũ cốc (21,3%) và xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (34%)... điều này cũng cần được theo dõi để có biện pháp kiểm soát phù hợp.

Giá hàng hóa nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm khiến KNNK của nhóm giảm, mặc dù lượng nhập khẩu vẫn có tăng như sắt thép, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, cao su, giấy, xơ sợi dệt, kim loại... Trong 20 mặt hàng tính được về giá và lượng thì tác động do giá nhập khẩu giảm đã làm giảm kim ngạch nhập khẩu 5,5 tỷ USD, do lượng nhập khẩu tăng đã tăng kim ngạch nhập khẩu 6,3 tỷ USD. Tính chung bù trừ giữa tăng/giảm giá và lượng đã khiến cho KNNK cả nước giảm 732 triệu USD.

Về thị trường, nhập khẩu

Nhập khẩu từ châu Á chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 29% và giảm 1,2% so với cùng kỳ. Thị trường Hàn Quốc chiếm 18% và tăng 10,8%. Thị trường ASEAN chiếm 14% và giảm 2,8%. Thị trường châu Âu và châu Mỹ chiếm xấp xỉ 5%, tốc độ tăng trưởng của thị trường Châu Mỹ cơ bản duy trì tương đương mức cùng kỳ năm trước, thị trường Châu Âu có mức tăng nhẹ (6,5%). Qua tình hình nhập khẩu từ các thị trường, có thể nhận thấy Việt Nam đang dần dần từng bước tận dụng được các cam kết và các FTAs đã ký kết. Một trong những nội dung quan trọng của FTA là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, loại bỏ phần lớn thuế nhập khẩu. Do vậy, chúng ta từng bước đã giảm dần phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc, tận dụng các cam kết với các thị trường tiềm năng mới như Hàn Quốc, EU 27…

Nhập siêu tháng 10 năm 2016 ước khoảng 200 triệu USD. Tính chung 10 tháng, cả nước xuất siêu ước khoảng 3,5 tỷ USD, bằng khoảng 2,4% kim ngạch xuất khẩu.

Đánh giá tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2016

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 đạt kết quả chưa cao như kỳ vọng, thấp hơn cùng kỳ 1,3 điểm phần trăm. Xuất khẩu 10 tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi cả 2 yếu tố về giá và lượng.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới vẫn ở mức thấp, xu hướng bảo hộ gia tăng ở các nước nhập khẩu và sự sụt giảm giá xuất khẩu hàng hóa trên thị trường thế giới. Các yếu tố này đã kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu của các nước nói chung, trong đó có Việt Nam. Xuất khẩu 10 tháng đầu năm có những điểm tích cực như xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng cao với mức tăng 7,9% (cùng kỳ năm ngoái giảm hơn 9,7%) và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng dương, đạt mức tăng 4,9% (cùng kỳ năm ngoái giảm 3,3%).

 Nhập khẩu hàng hóa đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu. Nhập khẩu giảm chủ yếu là do giá dầu thô giảm dẫn đến giá nhập khẩu của nhiều nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, phân bón, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu… giảm. Nhập khẩu hàng hóa xu hướng tăng dần trong các tháng cuối năm, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao hơn khối các doanh nghiệp có vốn nước ngoài là dấu hiệu khả quan cho thấy sự hồi phục của doanh nghiệp trong nước. Nhập khẩu từng bước đã bắt đầu có dấu hiệu giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tận dụng các cam kết với các thị trường tiềm năng mới như Hàn Quốc, EU 27…

III. Về phát triển thị trường trong nước

Thị trường hàng hóa tiếp tục diễn biến theo xu hướng ổn định.        Giá một số mặt hàng thiết yếu giảm như: Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng có xu hướng giảm; giá nhóm vật liệu xây dựng do nhu cầu xây dựng giảm cùng với giá thép thế giới giảm; giá lương thực giảm và giá thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào; các hàng hóa khác tương đối ổn định.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 10 năm 2016 ước đạt 295.350  tỷ đồng tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 2.896.624 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015 (thấp hơn mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2015).

Công tác quản lý thị trường tiếp tục triển khai quyết liệt, đặc biệt là trong một số lĩnh vực hoặc mặt hàng quan trọng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, an toàn thực phẩm..., đã góp phần tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển. Trong tháng 10, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra trên 14.760 vụ, phát hiện xử lý trên 8.320 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách trên 49,6 tỷ đồng.

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... được quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương pháp, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh.

IV. Về công tác hợp tác kinh tế quốc tế


 

1.     Công tác ASEAN

- Xây dựng phương án và tham dự họp Hội nghị lần thứ 22 Ủy ban Điều phối thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (CCA-22) tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xia từ ngày 22 đến 26 tháng 10 năm 2016;

- Báo cáo nhanh hiện trạng thương mại Việt Nam - ASEAN sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN;

- Xây dựng đề cương báo cáo tác động của AEC đối với thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP):

- Xây dựng phương án và tham dự Phiên đàm phán thứ 15 diễn ra từ 16 đến 21 tháng 10 năm 2016 tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

2. Công tác đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA):


2.1. FTA Việt Nam – EU (EVFTA):

- Phối hợp với Phái đoàn EU và Dự án EU-MUTRAP rà soát pháp lý, xây dựng chương trình hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao nhận thức về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA);

- Chuẩn bị tổ chức và tiến hành phiên rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA lần thứ 3 tại Hà Nội (từ 24 đến 28 tháng 10 năm 2016).

 

2.3 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP):

- Cung cấp thêm một số thông tin cho Bộ Ngoại giao để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”

- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cho ý kiến của các Bộ, ngành và phương hướng xử lý đối với tài liệu thực thi Hiệp định TPP do Hoa Kỳ đề xuất.

PHẦN THỨ HAI

GIẢI PHÁP TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2016

Kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2016 chuyển biến tích cực, tuy nhiên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức: kinh tế thế giới phục hồi chậm chưa vững chắc; tình trạng đầu tư công kém hiệu quả đang diễn ra phổ biến; hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn…, khả năng đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2016 là rất khó, vì vậy Bộ Công Thương xác định kiên định thực hiện nhiệm vụ với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định tại Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 19 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch năm 2016; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 60/NQ-CP, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ Chính phủ, trong tháng 10 và những tháng cuối năm tiếp tục tập trung vào các giải pháp sau:

I. Về sản xuất công nghiệp

  - Tập trung, ưu tiên thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cho các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, sản xuất, khai thác, chế biến...

- Triển khai quyết liệt các nội dung hỗ trợ, ưu đãi quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 11 năm 2015, nhằm hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

- Các đơn vị trong toàn ngành Công Thương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục nhanh nhất các mặt còn hạn chế, yếu kém; đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh bằng những giải pháp, việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất; năng động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016.

- Đối với dầu khí: Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với những dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành. Tiếp tục dõi sát diễn biến giá dầu, tập trung nguồn lực phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu kế hoạch năm 2016.

- Đối với điện: Tổ chức vận hành tốt các nhà máy điện; sửa chữa bảo dưỡng kịp thời, phát huy tối ưu công suất Nhà máy điện; cần phải kiểm điểm nghiêm khắc việc để xảy ra các sự cố tại các Nhà máy Thủy điện và đưa ra giải pháp khắc phục không để tái diễn các sự cố tương tự có tính chất lặp lại; tập trung khai thác, đưa vào vận hành hiệu quả các công trình về nguồn điện và lưới điện để sớm đưa vào sử dụng, tạo giá trị đóng góp cho tăng trưởng chung.

- Đối với than: tập trung giải quyết lượng than tồn kho; tiếp tục cân đối giữa sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho than ở mức hợp lý, ổn định việc làm, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế; tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh tiết giảm chi phí trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo cân đối tài chính, thu nhập cho người lao động và chuẩn bị các điều kiện tăng sản lượng, phát triển bền vững trong các năm tới.

- Đối với khoáng sản: đối với alumin và các khoáng sản kim loại màu tiếp tục bám sát thị trường ký hợp đồng tiêu thụ cả năm với các đơn vị. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khoán chi phí từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ. Tiếp tục triển khai phương án giao hàng rời cho các khách hàng để tăng thị phần tiêu thụ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy luyện Đồng Lào Cai.

- Đối với phân bón: Tập trung khâu tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm. Tập trung giải quyết khó khăn vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành

- Đối với thép: Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo đảm cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu nhưng theo dõi sát tác động của các biện pháp này tới sản xuất, tiêu dùng trong nước để có sự điều chỉnh kịp thời, nếu cần.

- Đối với sản phẩm cơ khí: nghiên cứu và áp dụng các biện pháp bảo hộ không trái cam kết quốc tế nhưng có tác dụng thúc đẩy phát triển một số sản phẩm cơ khí trong nước; tăng cường năng lực chế tạo các thiết bị mỏ phục vụ cho sản xuất, nhất là sản xuất than hầm lò (máy đào lò, máy xúc đá, cột chống, giá thuỷ lực, băng tải, máng cào, tàu điện,...); phân công phối hợp, cung cấp - sử dụng các sản phẩm cơ khí chủ lực trong một số Tập đoàn nhằm tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ nội bộ trong ngành. Các đơn vị chủ động thỏa thuận mua bán, sử dụng sản phẩm dịch vụ theo cơ chế đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh và tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển.

- Đối với dệt may, da - giày: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành, giữ vững thị trường xuất khẩu đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước; khẩn trương xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dệt may để quản lý hiệu quả hơn trong dài hạn.

- Đối với các mặt hàng tiêu dùng: chủ động, chuẩn bị tốt nguồn hàng cho dịp cuối năm; rà soát tình hình thực hiện kế hoạch, đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch để có điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.

- Đối với công nghiệp hỗ trợ: Triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ban hành, kết hợp với liên tục hoàn thiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với cam kết quốc tế; Tổ chức kết nối các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, từng bước đưa các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.

II. Về xuất nhập khẩu

- Cung cấp, tập huấn, phổ biến thông tin về thị trường, về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp.

- Quản lý thị trường, kiểm soát hàng giả và hàng không đảm bảo chất lượng nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu.

- Nghiên cứu phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, địa phương để đào tạo chuyên ngành (thiết kế,  thời trang, marketting...) và nguồn nhân lực tay nghề cao tại các Trường, Viện thuộc Bộ cho các ngành xuất khẩu chủ lực.

- Tập trung kinh phí và thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng đang gặp khó khăn về giá, về thị trường; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, trái cây, gạo...

- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các biện pháp cụ thể triển khai, khai thác triệt để những kết quả tích cực đã đạt được tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và Tổng cục trưởng AQSIQ nhằm tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm đã được Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6907/BCT-CNK ngày 27/7/2016 và Phó Thủ tướng Chính phủ Trình Đình Dũng đã có chri đạo các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, xử lý tại công văn số 6817/VPCP-KTTH ngày 17/8/2016.

- Đối với một số mặt hàng cụ thể:

 Thủy sản:

+ Tiếp tục theo dõi sát và vận động Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn.

+ Tiếp tục đôn đốc AQSIQ thực hiện các biện pháp đã trao đổi tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Tổng cục trưởng AQSIQ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản.

 Rau quả

+ Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ xem xét các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA) để mở cửa xuất khẩu chính thức một số loại trái cây, cụ thể tại Trung Quốc (đối với bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, roi), tại Đài Loan (xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm); tại Nhật Bản (thanh long ruột đỏ, vải thiều); Hàn Quốc (vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm); tại Úc (thanh long); tại Hoa Kỳ (xoài, vú sữa).

+ Tiếp tục đôn đốc AQSIQ sớm xem xét việc mở thêm các cửa khẩu nhập khẩu rau quả trong thời gian tới như đã trao đổi tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Tổng cục trưởng AQSIQ.

Gạo

+ Tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa hai Chính phủ và tăng cường các hoạt động tiếp xúc, xúc tiến thương mại để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

+ Tăng cường xúc tiến thương mại, rà soát thực hiện tốt các thỏa thuận của Chính phủ về thương mại gạo với một số nước; tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường mới, thị trường tiềm năng như tại châu Phi.

+ Hỗ trợ doanh nghiệp gạo của Việt Nam cải thiện năng lực công nghệ và thương mại quốc tế để tham gia vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu; tham gia mạng lưới sản xuất, phân phối gạo và các sản phẩm từ gạo ở nước ngoài.

 Dệt may, giày dép

+ Tập trung các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá sản phẩm sang các thị trường, đặc biệt là Hoa Kỳ và các thị trường thuộc EU.

III. Về phát triển thị trường trong nước

- Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để bảo đảm kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý (dưới 5%) theo chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra. Chú trọng cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để xảy ra sốt giá cục bộ.

- Triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối (hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản, thủy sản và các chợ đầu mối, các chợ dân sinh kinh doanh nông sản, thủy sản).

- Xúc tiến thành lập các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm, để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thuỷ sản.

- Tiếp tục nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”.

-  Thường xuyên tổ chức với quy mô rộng hơn Chương trình kết nối cung - cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản với hệ thống phân phối, gắn với việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường.

- Nghiên cứu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, đề xuất các biện pháp, chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các thương lái.

- Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng nâng cao công tác quản lý,  kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của thương nhân, kể cả thương nhân nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam...

Trên đây là Thông tin báo chí về tình hình hoạt động công nghiệp và thương mại 10 tháng năm 2016 của Ngành Công Thương, Bộ Công Thương rất mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin tới bạn đọc, người dân và cộng đồng doanh nghiệp./.

 

     BỘ CÔNG THƯƠNG

Ý kiến bạn đọc 0 lượt xem, 0 lượt bình luận

{0}
    {1}

Cổng thông tin hỏi đáp và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương.

Bản quyền thuộc về: Sở Công Thương Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 366/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ - T.P Thái Nguyên.
Điện thoại:Văn phòng Sở Công Thương: 0208.3855.255