Ảnh hưởng của hạn mặn sản lượng gạo xuất khẩu vẫn ổn định.

Đánh giá (1) :
Hạn, mặn đã làm 180.000 ha lúa Đông Xuân ở ĐBSCL thiệt hại nhưng bù lại, diện tích lúa vụ Thu Đông tới ở khu vực này sẽ tăng thêm 200.000 ha nên cả nước sẽ không lo thiếu gạo xuất khẩu.


Ảnh minh hoạ

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong tháng 4/2016, tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường tăng so với cùng kỳ tháng 3/2016, phổ biến ở mức 6.500-7.500 đồng/kg tăng 500 đồng/kg. Giá một số loại thóc chất lượng cao hơn phổ biến ở mức 8.000-9.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.500-14.000 đồng/kg, tăng 500-1.000 đồng/kg. 

Tại miền Nam, thị trường lúa gạo tháng 4/2016 có xu hướng chững lại và giảm nhẹ so với cùng kỳ tháng 3/2016 do các kho gạo của doanh nghiệp hiện đã đầy hàng nên ngừng thu mua lúa. 

Giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) loại thường dao động từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm dao động từ 7.700-8.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.900 – 7.450 đồng/kg, giảm khoảng 50 đồng/kg. 

Đáng chú ý, hạn, mặn đã làm 180.000 ha lúa Đông Xuân ở ĐBSCL thiệt hại nhưng bù lại, diện tích lúa vụ Thu Đông tới ở khu vực này sẽ tăng thêm 200.000 ha nên cả nước sẽ không lo thiếu gạo xuất khẩu. Hiện nay, các huyện ở vùng Tứ giác Long Xuyên như Hòn Đất, Hà Tiên, Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đang tranh thủ tháo dỡ các đập tạm trước đó để xả mặn, làm đất. 

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dù hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại lớn đến diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL nhưng nếu các địa phương thực hiện đúng kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tổng sản lượng lúa sẽ không thấp hơn nhiều so với các năm trước. Doanh nghiệp cũng không lo thiếu gạo để xuất khẩu. 

Trước đó, cũng theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lúa gạo vùng ĐBSCL tăng cao thời gian qua do 6 nguyên nhân chính. 

Cụ thể, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta có chuyển biến tốt. Diễn biến phức tạp và thiệt hại trong sản xuất lúa do El Nino và hạn, mặn cùng với những thông tin dồn dập của truyền thông đã tác động đến tâm lý nên từ nông dân, thương lái, doanh nghiệp có tâm lý muốn dự trữ lúa gạo lại để chờ giá lên. 

Cùng với đó, có tin đồn chưa chính xác về Tổng công ty Lương thực Miền Nam (VinaFood 2) đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo nhưng không công bố. Đồng thời, có tình trạng đầu cơ lúa gạo; thị trường xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng; các cơ quan dự trữ Quốc gia triển khai mua 180.000 tấn gạo trong quý 3 năm nay. 

Trong 6 nguyên nhân trên, theo VFA, việc nước ta có nhiều các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết từ năm 2015 có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy giá lúa gạo tăng lên. Bởi khi hạt gạo xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới sẽ đem lại giá trị cao, khoảng cách giữa “cung và cầu” gần nhau, sẽ đẩy mức giá lên. Do đó, VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo trong nước sẽ tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ lúa gạo theo hướng xuất khẩu. 

Hiện tại, trong tháng 4/2016, giá chào bán gạo xuất khẩu Việt Nam giảm nhẹ do giảm phần lớn khách hàng chủ chốt, tuy nhiên việc Trung Quốc mua vào gạo trắng và gạo tấm đã giúp giữ giá không giảm sâu. Giá chào bán gạo của Việt Nam, loại 5% tấm dao động ở mức 365-380 USD/tấn, giảm 5-10 USD/tấn; loại 25% tấm dao động ở mức 350 - 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn./.

Đình Trung


Ý kiến bạn đọc 0 lượt xem, 0 lượt bình luận

{0}
    {1}

Cổng thông tin hỏi đáp và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương.

Bản quyền thuộc về: Sở Công Thương Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 366/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ - T.P Thái Nguyên.
Điện thoại:Văn phòng Sở Công Thương: 0208.3855.255