Xây dựng thương hiệu Miến dong Bắc Kạn

Đánh giá (1) :
Sau hồng không hạt và gạo Bao thai Chợ Đồn, các cấp ngành của tỉnh Bắc Kạn đang khẩn trương xây dựng đề án xin công nhận “Nhãn hiệu tập thể” cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Một bước phát triển mới cùng không ít thách thức đang chờ đợi người trồng dong và doanh nghiệp chế biến sản phẩm miến.

Dong riềng, loại cây vốn trước chỉ được trồng nhiều ở xã Côn Minh (Na Rì) để phục vụ cho nghề chế biến miến dong tại đây nay đang chứng tỏ giá trị kinh tế cao của nó trên địa bàn toàn tỉnh. Từ chỗ chỉ có vài hộ làm miến nay toàn tỉnh đã có khoảng 5 cơ sở lớn, chuyên thu mua, sản xuất chế biến tinh bột dong riềng và miến dong như HTX miến dong Côn Minh, Đồng Tâm, Khau Ngoà, Việt Cường (Na Rì), HTX miến dong Nhất Thiện (Ba Bể). Bên cạnh đó còn hàng chục cơ sở, hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng xuất hiện, tham gia thu mua củ dong và chế biến miến dong.

Năm 2011, người dân đã trồng được trên 550ha dong riềng; sản lượng củ khoảng 50.000 tấn; giá bán ổn định nên nhiều hộ thu lãi cao. Nhận thấy giá trị kinh tế lớn từ cây dong riềng, tỉnh Bắc Kạn đã đặc biệt quan tâm, đề ra nhiều chủ trương khuyến khích mở rộng diện tích canh tác, quy mô chế biến tinh bột dong. Năm 2012, tỉnh quyết tâm nâng diện tích cây dong riềng lên 1.300ha.

Ngay từ năm 2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất một số cây trồng nông nghiệp chính và trồng rừng sản xuất tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012-2015. Trong đó, riêng với cây dong riềng, nông hộ sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất mua phân bón trả chậm trong thời gian 10 tháng/năm. Một số địa bàn như Chợ Đồn cũng ban hành Nghị quyết riêng để hỗ trợ nông hộ về giá giống. Cây dong riềng đang đi những bước vững chắc trong mở rộng diện tích và tiềm năng chế biến hàng hóa lớn. Đến hết tháng 2/2012, toàn tỉnh đã trồng được 628ha. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị và bảo hộ thương hiệu sản phẩm là đòi hỏi cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Trước đây chúng ta đã chủ trương xin cấp Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Miến dong Côn Minh (Na Rì). Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng của cây dong riềng cũng như sản phẩm miến trên địa bàn là rất lớn vì vậy cần phải có một nhãn hiệu chung cho sản phẩm miến của cả tỉnh.

Việc xin và được cấp Nhãn hiệu tập thể không phải là khó, quan trọng là khi đã có thương hiệu rồi thì phải giữ nó ra sao để đem lại lợi nhuận cao cho nông hộ cũng như doanh nghiệp chế biến. Câu trả lời chính là chất lượng sản phẩm phải được nâng cao thông qua quy trình kỹ thuật đúng; công nghệ chế biến tốt và quảng bá rộng rãi.

Trước đây, hình thức canh tác cây dong riềng trên địa bàn thường là quảng canh, năng suất không cao và chất lượng tinh bột cũng thấp. Khắc phục điều này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì triển khai đề tài nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật thâm canh cây dong riềng. Mục tiêu đặt ra là làm sao trong vòng khoảng 2 năm tới phải đưa ra được một quy trình canh tác chuẩn để phổ biến đại trà. Trong đó, phải đưa ra được bộ giống chuẩn và kỹ thuật thâm canh từ mật độ tới bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Đối với doanh nghiệp chế biến phải cải tiến công nghệ chế biến để vừa cho sản phẩm chất lượng tốt vừa bảo vệ môi trường.

Hiện tại, quá trình xây dựng Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn đang có những bước đi quan trọng. Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu và lựa chọn được logo chính thức cho sản phẩm. Cũng theo Tiến sĩ Khiêm thì dự kiến khoảng tháng 9 đến tháng 10 năm nay sẽ chính thức đón nhận nhãn hiệu và Hội Nông dân tỉnh sẽ là cơ quan quản lý nhãn hiệu này.

Hội Nông dân tỉnh cũng đã ra Quyết định 329- QĐ/HNDT về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn. Theo đó, mục tiêu là giữ gìn uy tín, danh tiếng cho sản phẩm có nguồn gốc từ Bắc Kạn; bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; gia tăng giá trị sản phẩm… Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu cũng được ban hành để hướng tới nhân rộng các mô hình chế biến trên địa bàn.

Như vậy, không lâu nữa, sản phẩm Miến dong Bắc Kạn sẽ có một cái tên chính thức được bảo hộ, giá trị của sản phẩm nhờ vậy sẽ được nâng lên một bước. Vấn đề đặt ra là phải có một chủ trương phù hợp để giữ cho thương hiệu không bị “chết yểu”. Giải quyết điều này, bên cạnh việc sớm ban hành quy trình kỹ thuật canh tác, cải tiến công nghệ chế biến thì tìm đầu ra thị trường ổn định cũng là điều cần tính toán. Xây dựng được nhãn hiệu tập thể đã khó, nhưng giữ được giá trị thương hiệu thì còn vất vả hơn nhiều, vì vậy việc cần làm hiện nay là sớm tổ chức lại sản xuất để sản xuất tốt hơn, đi đôi với mở rộng vùng nguyên liệu./.

Nguồn Báo BKĐT

Ý kiến bạn đọc 0 lượt xem, 0 lượt bình luận

{0}
    {1}

Cổng thông tin hỏi đáp và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương.

Bản quyền thuộc về: Sở Công Thương Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 366/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ - T.P Thái Nguyên.
Điện thoại:Văn phòng Sở Công Thương: 0208.3855.255