Yên Bái: Tạo thuận lợi Cho các DN đưa hàng Việt đến với bà con vùng sâu vùng xa.

Đánh giá (1) :
Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với hàng hóa sản xuất trong nước. Cùng với việc tổ chức tuyên truyền về CVĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo Yên Bái…, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái còn phát các thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa đài các thôn, bản, nhằm giúp người dân vùng sâu vùng xa biết và ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt.


Quầy hàng tại phiên chợ

Để phù hợp với địa hình và điều kiện của người dân, hàng năm, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN) thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức các phiên chợ, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng cao. Các mặt hàng được ưu tiên đưa về khu vực này bao gồm các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hàng tiêu dùng.… Tất cả hàng hóa đều là hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.

Từ năm 2009 đến nay, sở đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức 17 phiên chợ đưa hàng Việt về các huyện miền núi trong tỉnh, với quy mô mỗi phiên chợ 25 gian hàng cùng sự tham gia của 15 DN. Ngoài ra, 89 lượt hội chợ, triển lãm đã diễn ra trên địa bàn tỉnh, mỗi lượt có 100 gian hàng, thu hút khoảng 20.000 lượt khách tham quan, doanh thu trung bình 500-700 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở các chuyến hàng, DN được vận động thường xuyên đưa hàng về bán tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hoá có chất lượng với giá cả hợp lý, đồng thời giúp hàng Việt hiện diện rõ hơn trong ý thức của người dân. Nhờ đó, nhiều mặt hàng đã được người dân biết đến và ưu tiên sử dụng.

Doanh thu tương đối khả quan là động lực giúp các DN ý thức hơn trong việc sản xuất ra các loại hàng hóa chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con. Các DN nhìn chung đã ý thức được ý nghĩa của chương trình, sản xuất ra các sản phẩm có sự cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhằm hỗ trợ DN thuận lợi hơn trong việc sản xuất kinh doanh, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ mạnh DN trong công tác xây dựng thương hiệu. Theo đó, các DN trên địa bàn tỉnh được tư vấn, hướng dẫn thiết kế, đăng ký bảo hộ logo, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, cách thiết kế, được tuyên truyền quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều thương hiệu sản phẩm đã được xây dựng thành công, gây được ấn tượng trong tâm lý người tiêu dùng, như chè Suối Giàng; sản phẩm miến đao của xã Giới Phiên; tranh đá quý Việt Nam, tranh đá quý Tuấn Thuận; sản phẩm tinh bột sắn của Công ty CP lâm nông sản thực phẩm Yên Bái; sản phẩm tinh bột nghệ, miến, mộc nhĩ, nấm linh chi; tinh dầu quế, quế vỏ.

Nhờ các giải pháp kể trên, hiện nay, các sản phẩm Việt trên địa bàn tỉnh không những được người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được nhiều du khách biết đến và ưa chuộng, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm trong tương lai. Tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối của Yên Bái đang ở mức 60% tại các chợ nông thôn và khoảng 80% tại hệ thống phân phối hiện đại.

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng nhìn chung, CVĐ còn gặp nhiều khó khăn, rào cản khi được tổ chức tại một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái. Cụ thể, do kinh phí dành cho CVĐ còn hạn chế nên thời gian tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn Yên Bái chưa dài. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân dù được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung nên khả năng chi trả chưa cao. Hàng nhái, hàng giả còn tồn tại, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm hàng Việt. Trong khi đó, mạng lưới phân phối của các DN  đầu mối sản xuất trong nước chưa đa dạng và chưa thật sự đủ mạnh, khiến hàng Việt còn khó khăn trong hành trình đến tay người tiêu dùng.

Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tiếp tục có chương trình, chính sách hỗ trợ Yên Bái cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Bắc thực hiện tốt CVĐ; nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ địa phương xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định, tạo điều kiện cho các DN có điểm bán hàng cố định. Các DN trong và ngoài tỉnh được khuyến khích tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ ở vùng sâu vùng xa, giúp bà con mua được hàng hóa vừa thu nhập.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cũng sẽ tích cực tổ chức các hội nghị thương mại để nắm bắt tình hình khó khăn của DN, từ đó có định hướng tháo gỡ, xây dựng chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nhà phân phối, sản xuất lớn trong nước đầu tư phát triển mạng lưới phân phối đến địa phương.

Quang Chiến

Ý kiến bạn đọc 0 lượt xem, 0 lượt bình luận

{0}
    {1}

Cổng thông tin hỏi đáp và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương.

Bản quyền thuộc về: Sở Công Thương Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 366/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ - T.P Thái Nguyên.
Điện thoại:Văn phòng Sở Công Thương: 0208.3855.255