Kinh tế Biển Việt Nam những điểm mạnh cần để phát triển

Đánh giá (1) :
Trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới ngày càng quan tâm tới biển

 Bước sang thế kỷ 21,“Thế kỷ của biển và đại dương”, khai thác biển đã trở thành vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và các quốc gia không có biển.

Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, một biển lớn, quan trọng của khu vực và thế giới. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta ngày nay không chỉ có phần lục địa tương đối nhỏ hẹp “hình chữ S” mà còn có cả vùng biển rộng lớn hơn 1 triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền

Biển là yếu tố ‘nổi trội’ trong phân hóa lãnh thổ Việt Nam và kinh tế biển đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. . Dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, 48 vụng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Vùng biển Việt Nam có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ với diện tích phần đất nổi khoảng 1.636 km2.


Trong số các nguồn tài nguyên biển, trước tiên phải kể đến dầu khí, một nguồn tài nguyên mũi nhọn, có ưu thế nổi trội của vùng biển Việt Nam. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông. Có thể khai thác từ 30-40 nghìn thùng/ngày (mỗi thùng 159 lít), khoảng 20 triệu tấn/năm

Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế cao với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3- 4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5- 1,8 triệu tấn/năm

Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Dọc bờ biển Việt Nam có hàng trăm bãi tắm, trong đó có những bãi tắm có chiều dài lên đến 15- 18km và nhiều bãi tắm có chiều dài 1-2km đủ điều kiện thuận lợi khai thác phát triển du lịch biển. Các bãi biển của nước ta phân bố trải đều từ Bắc vào Nam. Từ Móng Cái đến Hà Tiên có hàng loạt các bãi tắm đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Lăng Cô, Mỹ Khê, Đại Lãnh, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên…

Phát triển kinh tế biển bền vững gắn với tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế biển xanh dựa trên nguyên tắc ‘phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo toàn được nguồn vốn tự nhiên và chức năng của các hệ sinh thái mà kinh tế biển nương tựa’.

Chính vì vậy, để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững đòi hỏi phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng đầu tư nhiều hơn cho phát triển kinh tế biển ‘xanh’. Thực tế cho thấy đó là cách lựa chọn đúng đắn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia ‘mạnh về biển và làm giàu từ biển’ như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia đến năm 2020 và Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 về tăng trưởng xanh.

Thủy Trần

 

Ý kiến bạn đọc 0 lượt xem, 0 lượt bình luận

{0}
    {1}

Cổng thông tin hỏi đáp và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương.

Bản quyền thuộc về: Sở Công Thương Thái Nguyên

Địa chỉ: Số 366/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ - T.P Thái Nguyên.
Điện thoại:Văn phòng Sở Công Thương: 0208.3855.255